UNESCO: Khoảng 58 triệu trẻ em trên thế giới bị mù chữ

Báo cáo hàng năm của UNESCO công bố ngày 8/4 cho thấy hiện trên thế giới có khoảng 58 triệu trẻ em mù chữ và chỉ có 1/3 trong số 164 nước đạt mục tiêu thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục.

Chỉ có 1/3 trong số 164 nước đã cam kết đạt mục tiêu thiên niên kỷ về phổ cập giáo dục tiểu học đúng thời hạn chót năm 2015. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo hàng năm của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công bố ngày 8/4.

Theo báo cáo, các nước châu Âu cùng 3 nước Cuba, Kyrgyzstan và Mông Cổ là hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học. Những nước bỏ lỡ mục tiêu này là Pakistan, Yemen và các nước khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova nhấn mạnh trong 15 năm qua, mặc dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể và có thêm hàng triệu trẻ em được đến trường so với thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, song chính phủ các nước vẫn cần ưu tiên hơn nữa hỗ trợ trẻ em nghèo, đặc biệt là các bé gái.

Bà cho biết cơ hội được tới trường của trẻ em nghèo trên thế giới thường ít hơn 4 lần so với những em có gia đình khá giả. Hiện trên thế giới có khoảng 58 triệu trẻ mù chữ và 100 triệu trẻ em không hoàn thành bậc tiểu học.

Cũng theo UNESCO, mặc dù tình trạng cân bằng giới tính ở các bậc tiểu học và trung học đã được cải thiện, song việc học hành của các trẻ em gái thường bị gián đoạn do phải kết hôn và mang thai sớm.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về giáo dục Dakar năm 2000, các nước đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm 50% số người lớn mù chữ. Tuy nhiên, tỷ lệ này chỉ giảm rất ít, từ 18% trong năm 2000 xuống khoảng 14% năm 2015. Trong số 781 triệu người mù chữ trên thế giới có 2/3 là nữ giới.

UNESCO cho rằng tài chính hiện vẫn là rào cản lớn đối với việc mở rộng giáo dục. Cộng đồng quốc tế cần thêm khoảng 22 tỷ USD để có thể đạt được các mục tiêu phổ cập giáo dục tới năm 2030.

UNESCO đề xuất chính phủ các nước dành từ 15-20% ngân sách quốc gia để đầu tư cho giáo dục, đồng thời các quỹ từ thiện cần tăng gấp 4 lần các khoản đóng góp cho giáo dục.

Ngoài ra, các nước cũng được khuyến khích miễn ít nhất một năm học phí cho tất cả trẻ em ở bậc tiểu học.

Báo cáo của UNESCO được công bố một tháng trước thềm Diễn đàn Giáo dục thế giới, dự kiến tổ chức tại thành phố Incheon, Hàn Quốc, nhằm thảo luận và thống nhất các mục tiêu giáo dục mới cho năm 2030.

Cùng ngày 8/4, Thứ trưởng Bộ Đại học Cuba Aurora Fernández cho biết đảo quốc Caribe này hiện có khoảng 1,2 triệu người đã tốt nghiệp đại học, tương đương 11,1% dân số và 18,7% dân số trong tuổi lao động

Phóng viên TTXVN tại La Habana dẫn phát biểu của bà Fernández khẳng định nhân tố chính của con số ấn tượng trên là đội ngũ giáo sư đại học đông đảo và có chất lượng của Cuba.

Hiện tại, quốc gia có dân số 11 triệu người này có 35.000 giáo sư đại học, trong đó 25% có bằng tiến sĩ và hơn 40% khác có trình độ thạc sỹ.

Giáo dục nói chung và giáo dục cấp cao nói riêng luôn được Nhà nước Cuba quan tâm đặc biệt. Bất chấp những khó khăn kinh tế do bị Mỹ bao vây cấm vận, tỷ lệ đầu tư cho giáo dục của Cuba vẫn đạt mức tương đương 12,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao nhất thế giới.

Trong khoản ngân sách này, khoảng 30%, tương đương 4% GDP, được dành cho giáo dục đại học và sau đại học.

Một nghiên cứu giáo dục đại học 13 nước Mỹ Latinh năm 2013 của UNESCO cũng kết luận trình độ trung bình của sinh viên Cuba cao nhất trong số các nước này, và thông thường, một sinh viên Cuba có chỉ số kiến thức và kỹ năng cao gấp đôi so với sinh viên nước khác tại Mỹ Latinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.