Ứng dụng công nghệ để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa đánh giá thực tế ứng dụng công nghệ trong công tác tiêm chủng ở TP.HCM là những kinh nghiệm quý để triển khai rộng trên toàn quốc.
Ứng dụng công nghệ để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 ảnh 1Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Công Anh nhấn mạnh các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ ngay từ đầu trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để người dân không bị thiệt thòi.

"Số hoá" tiêm chủng phòng COVID-19

Chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 đã được phát động triển khai đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc từ ngày 10/7 để phòng chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vaccine cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng. 

Nhằm đảm bảo công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị, địa phương sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay.

Được Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế chỉ đạo, tập đoàn Viettel đã xây dựng nền tảng quản lý tiêm chủng gồm 4 hệ thống: Ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử,” Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Hệ thống quản lý tiêm chủng được vận hành sẽ triển khai theo 5 bước, đảm bảo công tác từ khi đăng ký tiêm chủng đến khi theo dõi sau tiêm đều được quản lý hiệu quả.

[Triển khai công nghệ phòng, chống COVID-19 phải có sự thống nhất]

Theo đó, khi người dân thực hiện đăng ký thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, các Sở y tế thực hiện duyệt, phân bổ đối tượng tiêm chủng COVID-19 đến các Trung tâm Y tế quận/huyện.

Các Trung tâm Y tế sẽ lập kế hoạch và cấp phát vaccine về cơ sở tiêm chủng. Tại đây, các cơ sở thực hiện tiêm chủng theo quy trình tiêm 4 bước của Bộ Y tế. Sau khi tiêm thành công, người dân có thể thực hiện tra cứu kết quả, chứng nhận tiêm chủng COVID-19 thông qua Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng.

Ứng dụng công nghệ để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 ảnh 2Việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccin phòng COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Toàn bộ các thông tin này sẽ được quản lý tập trung tại nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia; hỗ trợ Ban chỉ đạo tiêm chủng Quốc gia truy cập để theo dõi báo cáo kết quả tiêm chủng, điều hành toàn bộ chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng từng đánh giá, nền tảng quản lý tiêm chủng được thiết kế và xây dựng theo hướng toàn trình. Nền tảng này có khả năng quản lý vaccine từ khi về đến khi nhập kho, xuất kho, phân bổ, vận chuyển và tiêm; cho phép quản lý đến từng liều, từng lô, từng loại vaccine ở từng cơ sở tiêm chủng.

"Công nghệ sẽ giúp chúng ta triển khai hoạt động tiêm chủng nhanh hơn, thuận tiện hơn, góp phần hoàn thành các mục tiêu mà chiến dịch tiêm chủng đã đặt ra," Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Tuy nhiên, mới đây Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị trực thuộc và Sở Y tế các tỉnh, thành phố chấn chỉnh lại trước tình trạng thời gian qua một số cơ sở tiêm chủng có biểu hiện chưa thực hiện đúng quy trình tiêm chủng, gây ảnh hưởng đến tốc độ tiêm chủng, tỷ lệ bao phủ...

Một trong những nội dung Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện là áp dụng nền tảng công nghệ để quản lý và theo dõi tiêm chủng vaccine COVID-19.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, với việc ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia trong đợt 5 chiến dịch tiêm chủng toàn thành phố, sau hơn 10 ngày, đã tiêm được cho 930.239 người.

Đặc biệt, đã có 643.330 mũi tiêm được cập nhật vào hệ thống. "Trong đợt 5, công tác tiêm chủng tăng tốc rất nhanh, từ những ngày đầu chỉ có vài nghìn mũi tiêm mỗi ngày thì đến những ngày cuối đã đạt trên 100 ngàn mũi tiêm/ngày," bà Trinh chia sẻ.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra các phương án để phối hợp với bộ như cần thống nhất các phương án triển khai ứng dụng công nghệ, xử lý các tình huống phát sinh từ thực tiễn của địa phương; đưa ra yêu cầu và giải pháp xử lý để đơn vị phát triển hoàn thiện phần mềm. 

Bên cạnh đó, thành phố cũng kiến nghị cần cử nhân sự hỗ trợ địa phương chuẩn hóa dữ liệu đăng ký tiêm, sử dụng phần mềm, nhập kết quả tiêm hàng ngày; cũng như làm việc với lãnh đạo các quận, huyện để tháo gỡ vướng mắc.

Sẽ liên tục nâng cấp nền tảng công nghệ

Hướng đến mục tiêu 70% người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh được tiêm chủng, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết sở sẽ lập danh sách tiêm trên Cổng tiêm chủng quốc gia và ứng dụng "Sổ Sức khỏe điện tử," sử dụng dữ liệu dịch bệnh để tham mưu cho Thành phố các điểm "nóng," đối tượng cần phải triển khai tiêm chủng nhanh.

Cùng với đó, sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông trong triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Ứng dụng công nghệ để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 ảnh 3Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hoá, cho rằng thực tế ứng dụng công nghệ trong công tác tiêm chủng ở Thành phố Hồ Chí Minh là những kinh nghiệm quý để triển khai rộng trên toàn quốc.

"Nếu chúng ta không ứng dụng công nghệ ngay từ đầu trong chiến dịch tiêm chủng thì người dân trên địa bàn sẽ thiệt thòi vì chưa được cấp chứng nhận điện tử," ông Đỗ Công Anh khẳng định.

Vì thế, ông Đỗ Công Anh đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế tuyên truyền để người dân đăng ký tiêm trên Cổng tiêm chủng quốc gia (tiemchungcovid19.gov.vn) hoặc qua ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử;" yêu cầu Đoàn Thanh niên vào cuộc và tập huấn để họ tham gia hỗ trợ và cán bộ y tế không cần trực tiếp sử dụng phần mềm; bố trí hạ tầng, kết nối Internet cho các điểm tiêm, bao gồm cả những điểm tiêm lưu động.

"Các hệ thống, nền tảng công nghệ liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ liên tục được nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu," ông Đỗ Công Anh cho hay.

Ông Đỗ Công Anh cũng đề nghị các địa phương thành lập Tổ công tác có sự tham gia của Sở Thông tin và Truyền thông, Y tế, Trung tâm CDC và các đơn vị liên quan. Tổ công tác này có các đầu mối làm việc đến tận cấp xã.

Thời gian tới, để có thể tiêm chủng nhanh, rộng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức nhiều điểm tiêm lưu động, thậm chí là đến từng hẻm, từng chung cư, gõ cửa từng nhà để tiêm cho những người lớn tuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục