Ứng dụng truy vết người nhiễm bệnh COVID-19: Lợi và hại

Các ứng dụng truy vết tiếp xúc trên khiến nhiều nhà hoạt động nhân quyền lo ngại bởi các công ty có thể bị cuốn vào việc thu thập các dữ liệu về lịch sử di chuyển của người dân.
Ứng dụng truy vết người nhiễm bệnh COVID-19: Lợi và hại ảnh 1 Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân lưu thông qua khu vực biên giới giữa Cộng hòa Séc và Đức tại Rozvadov (Séc) nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AFP, nhiều quốc gia bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) đang sử dụng hoặc tranh cãi về việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại để nắm được việc di chuyển của một cá nhân và những người mà họ tiếp xúc, qua đó giúp giới chức trách có thể truy vết việc lây nhiễm và cảnh báo mọi người trong trường hợp họ có nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Các chuyên gia y tế cho rằng công nghệ này là công cụ quan trọng để các chính phủ kỳ vọng nới lỏng các biện pháp giới hạn đi lại, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã làm nhiều bệnh viện quá tải.

Tuy nhiên, để công tác truy vết tiếp xúc có hiệu quả, việc sử dụng các ứng dụng này cần phải được nhân rộng, với việc người dân tự nguyện hoặc bị ép buộc chấp nhận một loại công nghệ biến điện thoại của họ thành một công cụ giám sát số.

Dưới đây là tóm tắt các nét chính của những cách tiếp cận khác nhau kể từ khi các trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được báo cáo tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019, và điều mà các quan chức đã đúc kết được từ kinh nghiệm của họ.

Những công nghệ nào đang được sử dụng?

Các quốc gia châu Á là những nước đầu tiên sử dụng các ứng dụng truy vết tiếp xúc, trong đó Trung Quốc đã triển khai một số ứng dụng sử dụng cả định vị trực tiếp thông qua các mạng di động, hoặc dữ liệu được thu thập từ việc đi lại bằng tàu hỏa hoặc máy bay hay các chốt kiểm soát trên đường quốc lộ.

Việc sử dụng những ứng dụng này được triển khai một cách có hệ thống và có tính bắt buộc, đồng thời đóng vai trò quan trọng cho phép Bắc Kinh có thể dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và ngăn chặn sự lây nhiễm, cũng như giúp Trung Quốc không có ca tử vong nào do COVID-19 kể từ trung tuần tháng Tư.

Về phần mình, Hàn Quốc đã triển khai hệ thống cảnh báo trên điện thoại quy mô lớn, qua đó thông báo các vị trí mà những bệnh nhân mắc COVID-19 từng đến, và buộc tất cả những người bị yêu cầu cách ly phải cài đặt một ứng dụng truy vết tiếp xúc trên điện thoại của họ - các biện pháp mạnh tay này đã góp phần ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch.

Tuy nhiên, phần lớn các nước khác lại sử dụng các ứng dụng truy vết tiếp xúc dùng công nghệ bluetooth. Các ứng dụng này, được chính quyền khuyến khích sử dụng nhưng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào sự tự nguyện của người dân, giúp các nhà chức trách “biết được” khi thiết bị của hai người nào đó tiếp xúc gần với nhau.

[Video] Anh thử nghiệm chương trình mới truy vết virus SARS-CoV-2

Theo các quan chức, danh tính thực sự của người dùng ứng dụng đã được mã hóa, và bất kể ai nhận được cảnh báo sẽ không thể biết ai là người khiến họ có thể bị lây nhiễm.

Cách làm này giúp giải quyết những quan ngại về việc xâm phạm đời tư, đặc biệt là ở châu Âu - nơi các quan chức đang kêu gọi những nỗ lực hợp tác chung, trong đó bao gồm cả việc giám sát chặt chẽ để đảm bảo những người dùng ứng dụng biết dữ liệu cá nhân của họ bị lợi dụng vào thời điểm và phương thức như thế nào.

Mặc dù vậy, cho tới nay, phần lớn các nước châu Âu đều tự mình phát triển ứng dụng riêng, trong khi nhiều nước khác, ví dụ như Bỉ, vẫn đang tranh cãi về việc làm thế nào để truy vết tiếp xúc những người mắc COVID-19 một cách tốt nhất.

Tại Mỹ, ở cấp độ liên bang, không có kế hoạch truy vết tiếp xúc nào đang được xem xét, nhưng một số bang đã công bố các ứng dụng của riêng họ, có thể là các phần mềm sử dụng công nghệ bluetooth, hoặc trong trường hợp ở Hawaii là gửi các bảng câu hỏi hàng ngày thông qua tin nhắn hoặc thư điện tử để xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm giúp truy vết tiếp xúc những người mắc bệnh.

Sự hợp tác khá bất ngờ giữa Google và Apple nhằm giúp các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android và hệ điều hành IOS có thể kết nối được với nhau có khả năng sẽ thúc đẩy sự ra đời của các ứng dụng truy vết tiếp xúc dùng công nghệ bluetooth trong những tuần sắp tới.

Những ứng dụng này hữu hiệu tới mức nào?

Theo các chuyên gia, phương thức định vị truyền thống hiện đang đem lại hiệu quả cao nhất, bởi độ phủ sóng của các tín hiệu bluetooth có thể sẽ khác nhau, phụ thuộc vào tuổi đời của điện thoại và chỉ hoạt động tốt nhất ở các khu vực có không gian mở.

Ở Hong Kong và Đài Loan, những nơi đã xử lý tốt số ca tử vong vì COVID-19 không tăng cao cho dù ở rất gần Trung Quốc Đại lục, các quan chức ở đây đã sử dụng Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và mạng Wi-Fi để kiểm soát những người đang bị cách ly.

Các quốc gia phụ thuộc vào công nghệ bluetooth cũng đối mặt với rủi ro xảy ra “các trường hợp dương tính giả” bởi vì tín hiệu bluetooth có thể đi xuyên qua tường. Cụ thể, một ứng dụng dùng công nghệ này để cảnh báo những trường hợp tiếp xúc gần có khả năng sẽ khiến một người bị cách ly cho dù người này không ở cùng phòng với bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Và các quan chức y tế nói rằng nếu không có nhiều người cài đặt, thì ứng dụng truy vết tiếp xúc sẽ chỉ có tác dụng hạn chế. Ví dụ, ở Singapore, nơi ứng dụng TraceTogether được đưa vào sử dụng ngày 20/3, chỉ có khoảng 1/5 trong tổng số 5,7 triệu dân của quốc gia này cài đặt ứng dụng, thấp hơn rất nhiều tỷ lệ sử dụng 75% mà các quan chức chính phủ nói rằng cần thiết để ứng dụng có hiệu quả.

Ngoài ra, Australia cũng đã công bố ứng dụng truy vết tiếp xúc dùng công nghệ bluetooth COVIDSafe hôm 26/4. Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ đầu tiên, ứng dụng này đã có gần 2 triệu lượt tải, song đây vẫn chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 25 triệu dân.

Tuy nhiên, đối với các quốc gia vẫn đang áp dụng các biện pháp phong tỏa - trong đó có Australia và các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như Italy, Tây Ban Nha và Pháp - vẫn cần phải xem xét liệu các ứng dụng truy vết tiếp xúc có giúp ngăn chặn một làn sóng nhiễm bệnh mới hay không khi mọi người bắt đầu được gỡ bỏ lệnh hạn chế ra khỏi nhà.

Cho dù số ca tử vong vì COVID-19 rất cao, ở nhiều khu vực chỉ có một phần nhỏ dân số bị nhiễm COVID-19, điều đó có nghĩa rằng rất nhiều người sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu các lệnh yêu cầu người dân ở nhà được nới lỏng và các cơ sở kinh doanh, trường học được phép mở cửa trở lại.

Các chuyên gia cho rằng việc truy vết tiếp xúc chỉ là một trong số rất nhiều biện pháp cần thiết để có thể gỡ bỏ các biện pháp hạn chế hiện nay, trong đó gồm xét nghiệm trên diện rộng, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Đời tư có nguy cơ bị xâm pham?

Các ứng dụng truy vết tiếp xúc trên đã khiến nhiều nhà hoạt động nhân quyền cảm thấy đáng báo động bởi họ cho rằng các quan chức và các công ty có thể sẽ bị cuốn vào việc thu thập các cơ sở dữ liệu khổng lồ về lịch sử di chuyển và hoạt động của người dân.

Ngay cả ở những nền dân chủ như Hàn Quốc, nơi niềm tin của người dân vào chính phủ tương đối cao, những người chỉ trích nói rằng việc truy cập thông tin cá nhân chưa từng có tiền lệ này có thể khiến đời tư của hàng triệu người bị xâm phạm, trong có có cả những tội phạm tìm cách khai thác những ứng dụng đang được vô số các công ty tư nhân phát triển một cách vội vàng.

Các quan chức trên toàn thế giới cam kết rằng thông tin được thu thập sẽ không tiết lộ danh tính hay những thông tin các nhân khác, và sẽ bị xóa đi một khi cuộc khủng hoảng y tế hiện nay kết thúc.

Phần mềm truy vết tiếp xúc của Australia có cả một chiến dịch quan hệ công chúng lớn nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức giám sát quyền cá nhân, và hứa hẹn sẽ cung cấp mã nguồn của chương trình để đánh giá độc lập trong vòng 2 tuần. Còn Chính phủ Pháp, vốn đang hy vọng sẽ bắt đầu gỡ bỏ các biện pháp giới hạn từ ngày 11/5 tới, đã hứa hẹn ứng dụng StopCovid do người dân tự nguyện cài đặt vào điện thoại sẽ hoàn toàn ẩn danh người dùng và chỉ có tính chất tạm thời.

Tuần trước, Apple và Google cho biết công nghệ chung của hai công ty này sẽ để mọi người kiểm soát dữ liệu của riêng họ, và hệ thống này có thể sẽ bị gỡ bỏ sau khi đại dịch kết thúc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục