Ứng phó với dịch Ebola: Không gây hoang mang cho du khách

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng ứng phó dịch Ebola cần thực hiện hài hòa, tránh tâm lý hoang mang cho du khách.
Kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn dẫn đầu đoàn kiểm tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm tra gần 10 đơn vị khách sạn, doanh nghiệp lữ hành lớn ở Hà Nội trong ngày 20/8 về công tác phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này thông qua con đường du lịch.

Các đơn vị du lịch đã cơ bản thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Ebola với phương châm sẵn sàng ứng phó, đảm bảo an toàn cho du khách, cán bộ của ngành du lịch, hạn chế lây lan và đặc biệt là không gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho du khách, nhất là với khách quốc tế đến Việt Nam.


Lữ hành: Đặt an toàn của du khách lên hàng đầu

Hiện tại đang là mùa thấp điểm khách du lịch quốc tế nên các đơn vị lữ hành của Việt Nam chưa lo ngại nhiều về tình hình dịch bệnh do virus Ebola xâm nhập vào Việt Nam qua đường du lịch. Tuy nhiên, các công ty đều nêu cao cảnh giác, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phòng, chống dịch theo các cấp độ.

Hiện các công ty lữ hành hàng đầu của Việt Nam trên cả nước đều tạm dừng tour du lịch cho khách Việt Nam tới châu Phi. Đối với khách inbound (khách quốc tế vào Việt Nam), các công ty lữ hành đã thông báo tới các đối tác ở Thái Lan, Singapore, Australia, Malaysia... không nhận khách xuất phát từ vùng dịch hoặc đã có thời gian lưu trú tại 4 quốc gia Tây Phi là tâm điểm của dịch Ebola.

Các công ty lữ hành chấp nhận thiệt hại do việc tạm ngừng tour, đặt sự an toàn của du khách và cán bộ của đơn vị lên hàng đầu. Với khách inbound, các hãng lữ hành Việt Nam đều yêu cầu đối tác thông báo tới du khách tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục kiểm tra sức khỏe khi vào du lịch tại Việt Nam. Đồng thời rà soát kỹ lưỡng danh sách khách, đặc biệt chú ý, phối hợp với các cơ quan liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp bất thường ngay từ khi nhập cảnh.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Hà Nội Redtour, cho biết tour Nam Phi khởi hành từ ngày 30/8 được coi là sản phẩm trọng điểm outbound (đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) mùa Thu Đông năm nay. Rất nhiều du khách Việt Nam ưa chuộng tour này và đã đặt tour từ khá lâu, song vì sự an toàn của khách vẫn phải hủy tour, chấp nhận bỏ các khoản lợi nhuận mà tour mang lại cũng như chi phí quảng bá tour.

Châu Phi là thị trường chưa được nhiều công ty lữ hành ở Việt Nam khai thác, nếu có chỉ là Nam Phi, mỗi năm Hà Nội Redtour dẫn từ 4-5 đoàn khách đến khám phá Nam Phi.

Vào thời điểm này, Nam Phi không thuộc vùng dịch Ebola nhưng lại là điểm trung chuyển khách của châu lục này, trong đó có 4 nước Tây Phi là Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigieria. Nguy cơ nhiễm bệnh đối với khách du lịch đến Nam Phi là khá lớn nên Hà Nội Redtour chủ động ngừng tour. Bên cạnh đó, hãng chuẩn bị sẵn các sản phẩm du lịch thay thế tour du lịch có thể phải ngừng trong thời gian tới, trong đó quan tâm đẩy mạnh các sản phẩm du lịch nội địa.

Đại diện của Công ty du lịch và thể thao Việt Nam (Vietrantour) cho rằng cũng đã có ảnh hưởng do dịch bệnh Ebola khi nhiều khách Việt Nam có tâm lý e ngại đến các vùng châu Phi hoặc các nước có nguy cơ như Thái Lan, Malaysia; các yêu cầu hủy tour của khách công ty vẫn đáp ứng.

Bên cạnh đó, các hãng lữ hành lớn của Việt Nam đều tăng mức mua bảo hiểm du lịch cho du khách để đề phòng các trường hợp rủi ro có thể xảy ra. Công ty lữ hành HaNoitourist đã lên kế hoạch mua bảo hiểm du lịch cho du khách cao hơn mức bảo hiểm bình thường, đặc biệt là bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng trong trường hợp bị nhiễm bệnh khi đi du lịch. Đồng thời tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn cụ thể về tình hình dịch bệnh đến khách mua tour.

Phía Hà Nội Redtour đã đề nghị đối tác cung cấp bảo hiểm du lịch cho du khách phải làm rõ phạm vi bảo hiểm, quyền lợi của du khách trong trường hợp bị lây nhiễm Ebola trong quá trình đi du lịch...


Khách sạn: Phối hợp chặt chẽ với đơn vị y tế

Các khách sạn lớn, tiêu chuẩn từ 3-5 sao ở Việt Nam đều có liên kết với các đơn vị y tế địa phương, Trung ương để phối hợp chăm sóc sức khỏe cho du khách trong trường hợp ốm đau khi lưu trú. Trong trường hợp phát hiện du khách có các biểu hiện của Ebola thì sẽ tiến hành cách ly, chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Mỗi khách sạn lại có cách thức làm khác nhau, ví dụ như khách sạn Melia sẽ cách ly người bệnh ngay tại phòng họ lưu trú, phối hợp với Trung tâm cấp cứu Hà Nội 115 vận chuyển người bệnh đến Bệnh viện Việt Pháp (đối với khách quốc tế) và Viện các bệnh nhiệt đới (đối với khách nội địa).

Toàn bộ phòng và tầng nơi khách ở phải được cách ly để tiến hành khử trùng, sát khuẩn, đảm bảo không để virus lây lan ra các khu vực khác. Khách sạn này cũng đã tự trang bị trang phục y tế, khẩu trang phòng dịch.

Còn khách sạn Deawoo đã chuẩn bị sẵn sàng 3 phòng trong khách sạn ở khu vực đặc biệt để tiến hành cách ly người bệnh...

Để phòng chống dịch, các khách sạn đều thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử trùng các vật dụng du khách dùng chung như máy điện thoại, máy tính nối mạng, tay nắm cửa; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời bố trí thêm nhiều nước rửa tay diệt khuẩn dạng khô để du khách, nhân viên, nhất là nhân viên lễ tân đón khách thường xuyên vệ sinh tay; lên kế hoạch ứng phó khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh, thậm chí cả cách thức ứng xử, hành động của nhân viên trong trường hợp này để tránh gây tâm lý lo sợ cho các du khách khác...

Tuy nhiên, có một điểm rất khó cho các đơn vị lưu trú, đó là việc phát hiện các trường hợp khách mắc bệnh, nhất là với các khách chưa có biểu hiện bệnh khi làm thủ tục nhập cảnh.

Tại khu vực sân bay có kiểm tra đo thân nhiệt bằng máy y tế chuyên dụng, với khách sạn không có loại máy móc này mà chỉ có dụng cụ đơn giản hơn, bất tiện khi kiểm tra thân nhiệt du khách, nhất là với đoàn có số lượng khách đông. Thêm vào đó, các đơn vị lưu trú không có chuyên môn y tế sâu trong phòng chống dịch nên cần sự hỗ trợ của ngành y tế trong việc mua sắm các dụng cụ cần thiết phòng, chống dịch...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn nêu rõ Ebola là dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh tại 4 nước Tây Phi. Đến thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm dịch bệnh này. Tuy nhiên, du lịch là một trong những con đường dễ làm dịch lây lan nếu không có biện pháp phòng tránh kỹ lưỡng và xử lý kịp thời khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch đã có chỉ đạo kịp thời việc phòng, chống dịch trong toàn ngành du lịch.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đề nghị các đơn vị lữ hành, khách sạn tiếp tục duy trì tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho du khách cũng như nhân lực của ngành. Tổng cục Du lịch cần phối hợp với ngành y tế tiến hành tập huấn cụ thể cho các đơn vị lưu trú các kĩ năng cần thiết ứng phó với dịch bệnh, tư vấn cho các đơn vị này nên mua dụng cụ nào, xử lí các trường hợp nhiễm bệnh ra sao...

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng nhấn mạnh rằng việc phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola trong toàn ngành du lịch là hết sức cần thiết nhưng các đơn vị nên thực hiện hài hòa, không làm thái quá để tránh tâm lý hoang mang, lo sợ cho du khách.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục