Từ cuối tháng 7/2018, nước lũ đã bắt đầu tràn về các tỉnh vùng thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long. Thời điểm hiện tại, lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường nên mực nước tại Đồng bằng sông Cửu Long dâng lên khá cao.
Trước tình hình nước lũ diễn biến phức tạp, có khả năng đe dọa đến các vùng xung yếu, chính quyền và người dân các địa phương trong vùng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với lũ, nhằm đảm bảo an toàn về người, tài sản cho người dân.
Lũ về sớm và diễn biến phức tạp
Từ giữa tháng 7/2018, nước lũ đã đổ về với cường suất mạnh, kết hợp với triều cường đe dọa hàng chục ngàn ha lúa của nông dân các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Long An... Đợt lũ này về sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 20 ngày, khiến nhiều trà lúa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch bị ngập úng, gây thiệt hại nặng cho người nông dân.
Theo báo cáo, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 300ha lúa vụ Hè Thu, vụ Thu Đông, hoa màu và cây ăn trái sản xuất ngoài vùng quy hoạch, chưa có đê bao kiên cố bị thiệt hại do lũ.
Còn tại Long An, có gần 500 ha lúa vụ Hè Thu ở huyện Tân Hưng bị ngập úng nặng, phải thu hoạch sớm dẫn đến năng suất rất thấp, một số diện tích mất trắng.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương đã dứt điểm thu hoạch lúa vụ Hè Thu. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục nghìn ha lúa vụ Thu Đông chưa đến kỳ thu hoạch, đang có nguy cơ chịu ảnh hưởng do lũ.
Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã gieo sạ được 110.000 ha lúa vụ Thu Đông, trong đó khoảng 15.000 ha lúa, tập trung tại thị xã Hồng Ngự, huyện Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ.
Tỉnh Long An chỉ gieo sạ hơn 22.000 ha lúa Thu Đông, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Dự kiến đến giữa tháng 10, nông dân mới thu hoạch dứt điểm, nhưng hiện nay có hơn 7.100 ha đang có nguy cơ bị ảnh hưởng do lũ.
Qua ghi nhận thực tế tại một số khu vực đang sản xuất lúa vụ Thu Đông như huyện Tân Thạnh (Long An), huyện Tháp Mười, Cao Lãnh (Đồng Tháp), có thể thấy rằng mực nước bên ngoài đê bao đang chênh lệnh rất cao với bên trong, có nơi gần 2 mét. Phần lớn đê bao khá kiên cố, tuy nhiên vẫn có một số đoạn xung yếu, có nguy cơ dẫn đến vỡ đê do áp lực nước quá mạnh. Trường hợp xảy ra vỡ đê thì các diện tích lúa bên trong có nguy cơ mất trắng, thiệt hại cho người nông dân là rất lớn.
[Phó Thủ tướng kiểm tra việc phòng chống lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long]
Anh Lê Văn Duyên, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết lũ năm nay bất ngờ, về sớm hơn các năm khoảng 1 tháng, nên người dân xuống giống theo lịch thời vụ vẫn nơm nớp vì lũ.
Theo đúng thời gian sinh trưởng, đến gần cuối tháng Chín, lúa mới đúng ngày thu hoạch, nhưng do tuyến đê bao hiện tại rất mỏng, mực nước trong và ngoài chênh lệch khá lớn, vì vậy giải pháp an toàn là thu hoạch sớm.
Anh Duyên nói mặc dù đã gia cố nhiều lần nhưng hiện tại, mực nước tiếp tục ngấp nghé mặt đê. Cho nên lúa vừa chắc gạo, chín độ 75% và thương lái thu mua thì anh tiến hành thu hoạch. Do thu hoạch không đúng ngày, sản lượng lúa hao hụt khoảng 40%, giá cũng giảm 200 đồng/kg.
Theo anh Duyên, với giá lúa và thu hoạch như thế này, người nông dân chỉ hòa hoặc lỗ vốn.
Ông Trần Văn Lâm, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết gia đình có hơn 2 mẫu (ha) lúa Thu Đông, chỉ còn thời gian ngắn nữa là thu hoạch nhưng hiện naym nước chỉ còn khoảng 20cm nữa là tràn vào ruộng. Nếu vài ngày tới mà lũ tiếp tục dâng lên thì ruộng của ông sẽ không còn gì.
Chủ động ứng phó
Hiện tại, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu (An Giang) là 3,89m, cao hơn cùng kỳ 2017 là 1,06m; trên sông Hậu tại Châu Đốc (An Giang) là 3,50m, ở mức báo động 2.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong vài ngày tới, mực nước trên sông Cửu Long tiếp tục lên theo triều.
Đến ngày 24/9, mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức 4,04m, trên mức báo đông 2 là 0,04m; tại Châu Đốc là 3,64m, trên mức báo động 2 0,14m; đỉnh lũ chính vụ xuất hiện vào giữa tháng 10/2018 với mức cao hơn từ 0,4-0,8m so với cùng kỳ 2017.
Tính từ năm 2012 đến nay, con nước năm 2018 là con nước lớn nhất và có nhiều diễn biến phức tạp, đe dọa lớn đến các diện tích sản xuất nông nghiệp của người nông dân.
Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đề phòng thiệt hại do ngập lũ nội đồng, công tác ứng phó với lũ luôn chú trọng trên tinh thần chủ động-kịp thời trong mọi tình huống. Ở các vùng sản xuất nông nghiệp đang có nguy cơ bị nước lũ đe dọa, người dân chủ động phối hợp với chính quyền thực hiện các phương án ứng phó với lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản.
Ông Nguyễn Văn Chính, xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết gia đình có hơn 5.000m2 quýt đường đang cho quả, nếu ngập nước sẽ thiệt hại rất lớn. Do đó, gia đình phải chuẩn bị nhiều thứ như cao su, máy bơm để gia cố các đoạn đê bao xung yếu, trũng, thấp để đối phó với lũ, bảo vệ vườn cây.
Ông Nguyễn Văn Lâm, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười chia sẻ để đảm bảo an toàn cho các khu ô bao sản xuất, người dân tự nguyện góp công sức thành lập và duy trì các tổ tuần tra tuần tra 3 lần/ngày. Mục đích là kịp thời phát hiện và thông báo cho chính quyền, người dân địa phương hỗ trợ khắc phục kịp thời khi có xảy ra sự cố. Nhờ vậy, cuối tháng Tám, có 2 lần vỡ đê nhưng người dân đều khắc phục được.
Chính quyền các tỉnh trong khu vực cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực phối hợp với người dân, tăng cường thực hiện các giải pháp ứng phó với lũ.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết ngành nông nghiệp tăng cường kiểm tra thực tế, phối hợp với địa phương thực hiện các kế hoạch, giải pháp ứng phó với lũ; phối hợp với bà con dùng các phương tiện để gia cố đê bao, bảo vệ diện tích sản xuất lúa.
Từ đầu mùa lũ đến nay, các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đã tích cực chủ động gia cố, tôn cao hơn 64km đê bao bảo vệ an toàn hơn 30.000ha lúa Hè Thu. Trong đợt lũ chính vụ sắp tới, dự báo sẽ cao hơn lũ năm 2011, các huyện phải tiếp tục gia cố hơn 38km đê bao bảo vệ hơn 12.000 ha lúa Thu Đông và 9.500ha chanh.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo và diễn biến tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng."
Bên cạnh đó, các địa phương phải ra bổ sung, củng cố lực lượng ứng trực, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng tuần tra các tuyến đê bao xung yếu, tăng cường kiểm tra đê bao, gia cố ngay những đoạn đê bao cống đập còn thấp, chuẩn bị các trang thiết bị máy bơm sẵn sàng để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Lực lượng toàn ngành và địa phương không để bị động, bất ngờ; phải chủ động và thực quyết tâm cao nhất là bảo vệ được người và của, giảm thiệt hại tối đa trước các tình huống xấu./.