Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 22/4 cho biết các cuộc khủng hoảng liên quan đến thời tiết đã khiến số lượng người phải di dời gấp 2 lần so với xung đột và bạo lực trong 10 năm qua.
Cùng thời điểm với Ngày Trái đất (22/4), UNHCR đã công bố dữ liệu cho thấy các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói, thiếu ăn và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây ra bất ổn và bạo lực.
Cơ quan Liên hợp quốc cho biết “từ Afghanistan đến Trung Mỹ, tình trạng hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đang ảnh hưởng đến những người kém khả năng để phục hồi và thích nghi.”
Đồng thời, cơ quan này kêu gọi các nước hợp tác chống lại biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của nó đối với hàng trăm triệu người.
[IEA cảnh báo lượng khí CO2 tăng mạnh trở lại trong năm 2021]
Kể từ năm 2010 đến nay, các trường hợp khẩn cấp liên quan đến thời tiết đã khiến khoảng 21,5 triệu người mỗi năm phải di dời.
UNHCR cho biết khoảng 90% người tỵ nạn đến từ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và ít có khả năng thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Các quốc gia này cũng tiếp nhận khoảng 70% người dân phải di dời nội bộ do xung đột hoặc bạo lực.
Theo UNHCR, các trận lũ lụt và hạn hán tái diễn, cùng với sự gia tăng dân số đã làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực và khan hiếm nước, đồng thời làm giảm triển vọng của những người tị nạn và di dời nội bộ có thể trở về quê hương của họ.
Nêu trường hợp Afghanistan, UNHCR lưu ý rằng đây là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, vì gần như tất cả 34 tỉnh của nước này đã phải hứng chịu ít nhất một thảm họa trong vòng 30 năm qua.
Đất nước này cũng được xếp hạng là quốc gia kém hòa bình nhất trên thế giới do xung đột kéo dài, khiến hàng nghìn người thương vong và hàng triệu người phải di dời./.