UNHCR chỉ trích châu Âu đóng cửa biên giới với người tị nạn khốn khổ

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho rằng việc từ chối cho phép những người di cư cập cảng là nguyên nhân gây ra tình trạng ách tắc trên biển hiện nay.
UNHCR chỉ trích châu Âu đóng cửa biên giới với người tị nạn khốn khổ ảnh 1Lực lượng cứu hộ giải cứu người di cư ở ngoài khơi bờ biển Libya, trên Địa Trung Hải. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi ngày 5/10 đã chỉ trích các nước đang đóng cửa biên giới với những người tị nạn khốn khổ, cho rằng việc từ chối cho phép những người di cư cập cảng là nguyên nhân gây ra tình trạng ách tắc trên biển hiện nay.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thường niên của UNHCR ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Filippo Grandi cho biết người di cư và tị nạn trên thế giới đang bất chấp nguy hiểm tiếp tục tìm đường tới những nơi an toàn và có cơ hội, giải pháp đối với những nước đang là điểm đến của những người di cư là không thể đóng cửa.

Ông Grandi nói: "Chúng ta không thể cho phép những phản ứng bài ngoại - chỉ để tạo sự đồng thuận dễ dàng hoặc lấy phiếu cử tri, làm định hướng cho những phản ứng trước những vấn đề được xem là phức tạp, nhưng hoàn toàn có thể giải quyết được."

[HĐBA thông qua Nghị quyết về buôn bán người và di cư trái phép ở Libya]

Ông Grandi cảnh báo về những luồng suy nghĩ nguy hiểm nổi lên từ một số nước giàu trên thế giới, đẩy vấn đề tị nạn ra ngoài biên giới của nước mình, là vi phạm luật pháp quốc tế, đặt mạng sống của những người khốn cùng nhất vào tình thế nguy nan, cũng như tạo ra những tiền lệ đe dọa người tị nạn toàn cầu.

Ông Filippo Grandi đã nêu cụ thể 27 trường hợp người di cư bị mắc kẹt trên biển Địa Trung Hải trong gần 40 ngày trên một tàu của Đan Mạch trước khi được phép cập cảng Italy vài ngày trước. Các quốc gia đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Ông nhấn mạnh: "Là một công dân châu Âu, tôi cảm thấy xấu hổ vì phải mất hơn một tháng mới cho phép 27 người lên bờ."

Theo ông Grandi, giảm các hoạt động cứu hộ và tìm kiếm hay cản trở những người tham gia cứu trợ, thậm chí đẩy những người di cư trở lại không theo một quy trình hợp lý, sẽ không thể ngăn chặn được dòng người đổ về châu Âu, mà chỉ dẫn đến nhiều cái chết thương tâm hơn.

Sự xuất hiện của hơn 1 triệu người di cư ở châu Âu mà hầu hết trong số này là những người tị nạn chạy trốn các cuộc chiến ở Syria và các nước Bắc Phi vào năm 2015 đã châm ngòi cho một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU).

Các nước EU đã tranh cãi gay gắt từ nhiều năm qua về việc nước nào sẽ phải chịu trách nhiệm về những người tị nạn tới châu Âu và liệu các quốc gia EU có phải chia sẻ gánh nặng với các nước thành viên khác khác ở Địa Trung Hải như Hy Lạp, Italy và Malta - vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dòng người tị nạn, hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.