Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 14/1 cho biết có gần 24 triệu trẻ em sống ở các khu vực khủng hoảng tại 22 quốc gia bị tác động bởi cuộc xung đột đã không được đến trường.
Theo báo cáo của UNICEF, Nam Sudan có tỷ lệ trẻ em thất học ở mức cao nhất khi hơn một nửa trẻ em trong độ tuổi tiểu học và những lớp đầu trung học không được học hành. Tiếp đến là Niger với 47% trẻ em không được đi học, Sudan (41%) và Afghanistan (40%). UNICEF cho biết bạo lực và nghèo đói là những nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa này.
Nạn bạo lực diễn ra sau khi Nam Sudan độc lập năm 2011 khiến 500.000 người phải rời bỏ quê hương để đi tới những vùng xa xôi hẻo lánh. Các tổ chức nhân đạo đã dựng lên các trường tạm ở các trại tị nạn nhưng thiếu ngân quỹ nên không đáp ứng nhu cầu của quốc gia này.
Theo quy định, chỉ 2% viện trợ nhân đạo dành cho công tác giáo dục cần thiết, trong khi đó hầu hết viện trợ lại được dùng để cung cấp hàng thiết yếu như thực phẩm, lều trại và chăm sóc y tế.
Chia sẻ về những khó khăn trên, ông Gordon Brown, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về giáo dục toàn cầu, cho biết Liên hợp quốc đang lên kế hoạch thiết lập chương trình nhân đạo có tính chất khung cơ bản về giáo dục ở các khu vực xung đột tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về vấn đề nhân đạo diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.
Theo UNICEF, ở những quốc gia đang trải qua thời kỳ bất ổn và bạo lực kéo dài thì trường học không chỉ là nơi học tập mà có ý nghĩa vô cùng to lớn như mang đến môi trường cho trẻ em vui chơi, học hành, cũng như niềm hy vọng về tương lại./.