Các cuộc xung đột và tình trạng kém phát triển đã khiến trẻ em ở Nam Sudan không được đến trường, bị suy dinh dưỡng, bị lạm dụng, bóc lột và dễ nhiễm bệnh.
Đây là cảnh báo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra ngày 7/7.
Theo Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore, trong tổng số 3,4 triệu trẻ em ở nước này, có 2,6 triệu em đã được sinh ra trong chiến tranh.
Cuộc nội chiến dường như không có hồi kết đã hủy hoại cuộc sống của hàng triệu trẻ em Nam Sudan. Tỷ lệ nghèo đói tăng vọt từ 35% năm 2014 lên gần 60%, với một số vùng của nước này đang cận kề nạn đói. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở mức đáng báo động, với hơn 1 triệu em bị suy dinh dưỡng, trong đó 300.000 em có nguy cơ tử vong.
Kể từ năm 2013, 1/3 số trường học bị phá hủy, bị chiếm đóng hoặc đóng cửa trong các cuộc xung đột, tước đi cơ hội đến trường của khoảng 2 triệu em.
[Thỏa thuận mới trong nỗ lực giải quyết xung đột tại Nam Sudan]
Nam Sudan hiện là nước có tỷ lệ trẻ em thất học cao nhất thế giới.
Ngoài ra, trẻ em ở Nam Sudan còn bị các nhóm vũ trang tuyển mộ để chiến đấu, các em đôi khi còn bị lạm dụng tình dục..., hơn 1 triệu em đã phải đi tha hương.
Bà Fore cho biết việc Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và thủ lĩnh Phong trào nhân dân Giải phóng Sudan (SPLM-IO) Riek Machar ký thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn tại thủ đô Khartoum của Sudan ngày 27/6 vừa qua, là một bước tích cực trong tiến trình hòa bình mong manh của quốc gia non trẻ nhất thế giới này.
Bà hy vọng các phe phái tham chiến sẽ tôn trọng lệnh ngừng bắn nhằm đảm bảo cho các nhân viên cứu trợ có thể tiếp cận được tới những người đang cần được viện trợ khẩn cấp.
Nam Sudan tách khỏi Sudan để trở thành nhà nước độc lập vào năm 2011, song đã nhanh chóng rơi vào nội chiến kể từ cuối năm 2013./.