Ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước ở cả hai chiến tuyến

Người lính Việt Nam Cộng hòa hào hứng chụp ảnh cùng chiến sỹ giải phóng quân, nhà báo của chiến tuyến bên kia nghẹn ngào đề nghị được mang những chiếc kẹo của miền Bắc về tặng gia đình ở miền Nam…
Bức ảnh "Thoát khỏi ngục tù" chụp tại cuộc trao trả tù binh bên sông Thạch Hãn mùa Xuân 1973. (Ảnh: Nhà báo Chu Chí Thành cung cấp)

Người lính chính quyền Sài Gòn hào hứng chụp ảnh cùng chiến sỹ giải phóng quân, nhà báo của chiến tuyến bên kia nghẹn ngào đề nghị được mang những chiếc kẹo của miền Bắc về tặng gia đình ở miền Nam… Để rồi sau đó, tất cả cùng vỡ òa trong ngày đất nước thống nhất.

Lần giở lại những bức ảnh tư liệu, các phóng viên chiến trường năm xưa bỗng lặng đi trong giây phút nhớ về ước vọng hòa bình của chiến sỹ, đồng bào trong những ngày kháng chiến chống Mỹ.

Ước vọng hòa bình

Dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị) chứa đầy ký ức bi tráng về ngày đất nước bị chia cắt: Bờ Bắc là vùng giải phóng, bờ Nam do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát.

Trong khoảng thời gian từ năm 1972-1973, phóng viên ảnh Chu Chí Thành (Thông tấn xã Việt Nam) được giao nhiệm vụ bám trụ cùng quân giải phóng ở phía Bắc sông Thạch Hãn.

“Trong những năm tháng khói lửa, vùng đất Quảng Trị vẫn được coi là ‘cối xay thịt.’ Thế nhưng, bên cạnh những hình ảnh tàn khốc ấy vẫn có những nụ cười rạng rỡ, những cái khoác vai thân tình giữa những người ở hai chiến tuyến đối đầu...,” ông Thành nhớ lại.

Trong hồi ức của cựu phóng viên chiến trường, thời điểm ấy, đồn bốt của quân giải phóng và quân Việt Nam Cộng hòa ở gần sát nhau. Thỉnh thoảng, những người lính Cộng hòa vẫn sang trò chuyện với bộ đội ta. Họ cùng kể cho nhau nghe về gia đình, quê hương và tất cả đều mong mỏi ngày chiến tranh kết thúc, Bắc-Nam sum họp một nhà.

“Có một buổi sáng đầu năm 1973, tôi đi tuần cùng chiến sỹ giải phóng quân và gặp một người lính bên kia. Anh ấy bảo: ‘Anh phóng viên chụp cho chúng em xin một bức ảnh kỷ niệm nhé!’ Nói rồi, anh vui vẻ khoác vai người lính ở bên kia bờ chiến tuyến,” nhà báo Chu Chí Thành kể.

Bức ảnh chụp chiến sỹ giải phóng quân và người lính Việt Nam Cộng hòa. (Ảnh: Nhà báo Chu Chí Thành cung cấp)

Lặng đi chừng vài phút, tác giả của bức ảnh chia sẻ: “Với tôi, đó là minh chứng sinh động cho ước vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Một người lính giải phóng quân đầu đội mũ tai bèo và một người lính Việt Nam Cộng hòa trong trang phục rằn ri - hai con người ở hai chiến tuyến đối nghịch đã sát vai bên nhau. Mọi khoảng cách đều được xóa bỏ.”

Triền miên trong câu chuyện, nhà báo Chu Chí Thành bảo, những ai từng đi qua năm tháng ấy sẽ không khó để nhận thấy khát khao hòa bình của những con người ở cả hai chiến tuyến.

Mùa Xuân 1973, ông được giao nhiệm vụ ghi lại diễn biến của một trong những cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam diễn ra tại bờ Bắc sông Thạch Hãn (thực hiện theo các điều khoản của Hiệp định Paris (ký ngày 27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam).

“Trong lán trại dành cho phóng viên các bên, ký giả của một tờ báo thuộc chiến tuyến bên kia đã xin vài chiếc kẹo Hải Châu - sản phẩm của miền Bắc xã hội chủ nghĩa để mang về cho gia đình ở Sài Gòn,” ông Chu Chí Thành nhớ lại.

Theo lời kể của ông, Sài Gòn khi đó không thiếu những sản phẩm sang trọng (như chocolate, rượu ngoại…) nhưng nhà báo ấy vẫn cẩn thận cất những chiếc kẹo nhỏ, giản dị vào túi áo. Anh bảo, gia đình anh vẫn luôn ước mong được cầm trên tay những sản phẩm của miền Bắc và ngưỡng vọng về nơi ấy, mong một ngày đất nước hòa bình, thống nhất để có thể ra thăm Hà Nội.

Sài Gòn thẳng tiến!

“Với niềm mong ngóng ấy, sau bao năm dồn nén, đồng bào miền Nam đã vỡ òa hạnh phúc trong ngày đón đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn,” ông Hứa Kiểm (nguyên phóng viên Thông tấn Quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, người theo chân đoàn quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975) nghẹn ngào nói.

Khoảng 4 giờ sáng 30/4/1975, nhà báo Hứa Kiểm cùng đơn vị bộ binh đóng tại căn cứ Nước Trong (Biên Hòa) nhận lệnh xuất phát, tiến thẳng vào Sài Gòn theo đường xa lộ. 

“Chúng tôi nhận được chỉ thị phải hành quân thần tốc. Không giống những cuộc hành quân trước đây (hành quân bộ), lần này, tất cả chiến sỹ di chuyển bằng xe cơ giới. Đoàn quân ào ạt tiến lên theo thế chẻ tre. Trong suốt cuộc đời là phóng viên chiến trường của mình, chưa khi nào tôi thấy một khí thế tiến công mạnh mẽ như vậy,” ông Kiểm nhớ lại.

Thời khắc thống nhất đã cận kề. Theo lời kể của ông, trong cuộc hành binh đặc biệt này, dường như ai cũng nóng lòng, ước ao xe có thể chạy nhanh hơn nữa. Sài Gòn trước mắt! Sự chờ mong, niềm hy vọng bao ngày sắp thành hiện thực.

Nói rồi, gương mặt người phóng viên năm xưa bỗng rạng rỡ hẳn lên, đôi bàn tay nắm chặt. “Trên khắp các ngả đường, đồng bào ào ra đón đoàn quân giải phóng như đón những người thân trong gia đình đi xa trở về, tay bắt mặt mừng, nước mắt rưng rưng.. Thời khắc ấy có cả nước mắt và nụ cười, niềm hân hoan hòa trong tiếng nấc nghẹn,” nhà báo Hứa Kiểm xúc động nói.

Bức ảnh giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975 - nhân dân chào mừng những người chiến thắng. (Ảnh: Hứa Kiểm)

Tiếng hô vang “Hòa bình rồi! Thống nhất rồi!” còn vang vọng mãi trong tâm thức người phóng viên ảnh. Ông bảo, dù không kịp chụp lại bức ảnh xe tăng của quân ta tiến vào Dinh Độc Lập nhưng ông đã kịp ghi lại những khoảnh khắc nhân dân ào ra, vây quanh xe của đoàn quân giải phóng. Lúc đó là khoảng 10 giờ 30 sáng 30/4/1095.

“Với tôi, đó là bức ảnh kết thúc chiến tranh. Đến thời khắc ấy, cảm xúc dồn nén, tích tụ từ lâu bỗng vỡ òa. Khát vọng hòa bình, thống nhất vẫn luôn cuộn chảy trong lòng người dân đất Việt. Khí thế ấy thể hiện sự chuẩn bị từ rất lâu. Nó khác với sự ngỡ ngàng trước sự việc xảy ra bất ngờ,” cựu phóng viên chiến trường Hứa Kiểm nghẹn giọng, đôi mắt hướng về bức ảnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục