Ưu tiên tiền lương cho giáo viên trước khi đầu tư cơ sở vật chất?

"Tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần coi vấn đề tiền lương của giáo viên là ưu tiên hàng đầu, trước khi đầu tư cơ sở vật chất hay trang thiết bị," tiến sỹ Phạm Thị Ly nhấn mạnh.
Ưu tiên tiền lương cho giáo viên trước khi đầu tư cơ sở vật chất? ảnh 1Tiến sỹ Phạm Thị Ly. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Với đời sống của giáo viên hiện nay rất khó hy vọng đổi mới giáo dục. Khi giáo viên không sống bằng giảng dạy trên nhà trường mà bằng việc khác thì không mong đổi mới.”

Đó là ý kiến của tiến sỹ Phạm Thị Ly, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu, Viện Đào tạo quốc tế, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tại hội thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Từ tầm nhìn đến thực tiễn. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển, thuộc Hội liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng nay, ngày 5/11.

Đã có điều kiện cần

Theo tiến sỹ Phạm Thị Ly, để cải cách giáo dục phải có điều kiện cần và điều kiện đủ. Điều kiện cần là phải có quan điểm nhất quán và khác về chất so với chương trình giáo dục hiện hành. Điều kiện đủ là phải có các thiết chế để triển khai được quan điểm mới.

Với dự thảo chương trình giáo dục tổng thể, quan điểm nhất quán là chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang mô hình phẩm chất, năng lực của người học.

“Có thể thấy quan điểm này không mới. Chúng ta đã nói nhiều đến việc cần hình thành năng lực, phẩm chất của người học nhưng vấn đề là chương trình hiện hành và cách thức đánh giá kết quả học tập hiện nay của chúng ta không thể hiện được mục tiêu ấy và không tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện điều này,” bà Ly nhận định.

Tuy nhiên, bà Ly cho rằng dự thảo chương trình mới, những yêu cầu về năng lực, phẩm chất của học sinh đã thực sự chi phối nội dung và phương pháp giáo dục.

Điều này thể hiện ở 8 lĩnh vực chuyên môn với các môn bắt buộc và môn tự chọn, giúp vừa đảm bảo các năng lực cốt lõi, vừa cá nhân hóa học sinh trong quá trình học tập. Việc dạy tích hợp cũng giúp học sinh có thể vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tế. 

Về phương pháp, chương trình mới coi trọng trải nghiệm của học sinh thay cho lối truyền thụ một chiều của người thầy. 

Trong kiểm tra đánh giá, bà Ly cho rằng chương trình mới cũng có đổi mới căn bản khi quan điểm về vấn đề này đã thay đổi. Thi không còn là để ghi nhận kết quả đạt được mà là một phương pháp dạy để biết được những vấn đề cần trang bị thêm cho học sinh.

Với những viện dẫn trên, bà Ly nhận định: “Chương trình mới trả lời câu hỏi học sinh sẽ làm được gì, sẽ như thế nào sau khi học xong? Có ý kiến cho rằng đây là thay đổi lớn nhất kể từ năm 1945 đến nay. Tôi đồng ý với nhận định này và muốn bổ sung thêm rằng đây là những thay đổi có ý nghĩa tích cực nhất trong tất cả những cải cách đã được thực hiện trong nửa thế kỷ qua. Có thể nói chúng ta đã có điều kiện cần.”

Ưu tiên tiền lương cho giáo viên trước khi đầu tư cơ sở vật chất? ảnh 2Tiến sỹ Phạm Thị Ly cho rằng không cải thiện đời sống giáo viên sẽ khó có thể đổi mới giáo dục. (Ảnh: TTXVN)

Nhưng thiếu điều kiện đủ

Theo tiến sỹ Phạm Thị Ly, có điều kiện cần nhưng để hiện thực được đổi mới giáo dục phải có điều kiện đủ, nghĩa là có các thiết chế để có thể triển khai được những định hướng đặt ra. 

Bà Ly cho rằng có trong nhiều điều kiện đủ, không có vấn đề nào quan trọng bằng vấn đề giáo viên vì người thầy có vai trò then chốt trong giáo dục, nhất là ở những lớp dưới.

“Tài liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định gần 100% giáo viên phổ thông đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo. Tôi e rằng chữ ‘chuẩn’ ở đây chỉ có nghĩa là bằng cấp. Chúng ta chưa có bất cứ nghiên cứu nào được thực hiện một cách độc lập, có hệ thống và dựa trên những phương pháp đáng tin cậy để đánh giá mức độ hài lòng của phụ huynh đối với chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay, trong đó có chất lượng người thầy," bà Ly nói. 

Bà Ly cũng cho rằng dù Bộ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhưng thay đổi một cách nghĩ, cách dạy đọc-chép đã ăn sâu không chỉ một vài chục năm mà hàng nghìn năm không phải chuyện dễ dàng, chưa nói đến việc thực hiện cách dạy mới, cách đánh giá mới.

Tuy nhiên, để giáo viên đổi mới, họ cần có động lực làm việc. Theo bà Ly, với đời sống của giáo viên hiện nay rất khó hy vọng đổi mới giáo dục. Khi giáo viên không sống bằng giảng dạy trên nhà trường mà bằng việc khác, tâm trí họ không tập trung cho giảng dạy ở nhà trường thì rất khó nói đến bất cứ sự đổi mới nào về chất lượng.

"Tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần coi vấn đề tiền lương của giáo viên là ưu tiên hàng đầu, trước khi đầu tư cơ sở vật chất hay trang thiết bị," bà Ly nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục