Ủy ban châu Âu cảnh báo 23 quốc gia về vấn đề bản quyền

Các quy tắc về bản quyền của EU, được thông qua từ năm 2019, nhằm đảm bảo một thị trường bình đẳng giữa các ngành công nghiệp sáng tạo trị giá hàng nghìn tỷ euro của EU và các nền tảng trực tuyến.
Ủy ban châu Âu cảnh báo 23 quốc gia về vấn đề bản quyền ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Savis)

Ngày 26/7, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý đối với 23 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), đồng thời yêu cầu những nước này giải trình về nguyên nhân chậm trễ trong việc đưa các quy tắc về bản quyền mang tính bước ngoặt của EU vào hệ thống luật quốc gia.

Các quốc gia bị cảnh báo bao gồm: Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Ba Lan, Áo, Bulgaria, Croatia, Cyprus, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Phần Lan, Ireland, Litva, Luxembourg, Latvia, Bồ Đào Nha, Romania, Thụy Điển, Slovenia và Slovakia.

Thời hạn chót để các nước trên ban hành các quy tắc của EU thành luật quốc gia là ngày 7/6/2021.

EC cho biết ủy ban này đã gửi thông báo chính thức tới các nước liên quan. Chính phủ các nước này sẽ có thời hạn hai tháng để hồi đáp, nếu không vấn đề sẽ được đưa lên tòa án cấp cao nhất của EU tại Luxembourg.

Ngoài ra, EC cũng cho biết đã yêu cầu Pháp, Tây Ban Nha và 19 quốc gia EU khác giải thích lý do tại sao các nước này bỏ qua thời hạn ngày 7/6/2021 để ban hành các quy tắc bản quyền riêng biệt đối với việc truyền trực tuyến các chương trình phát thanh và truyền hình.

[Google đạt thỏa thuận giải quyết tranh cãi với các nhà xuất bản Pháp]

Các quy tắc về bản quyền của EU, được thông qua từ năm 2019, nhằm đảm bảo một thị trường bình đẳng giữa các ngành công nghiệp sáng tạo trị giá hàng nghìn tỷ euro của EU và các nền tảng trực tuyến như Google (thuộc sở hữu của công ty Alphabet) và Facebook.

Những quy định này sẽ buộc các nền tảng trực tuyến ký thỏa thuận cấp phép bản quyền tác phẩm trực tuyến với các nhạc sỹ, nghệ sỹ biểu diễn, tác giả, nhà xuất bản tin tức và nhà báo.

Các nền tảng chia sẻ như YouTube, Facebook hay Instagram sẽ phải cài đặt các bộ lọc để ngăn người dùng đăng lên các tài liệu có bản quyền.

Tuy nhiên, một số nghệ sỹ và đài truyền hình của châu Âu không đồng tình về những quy tắc trên. Trong khi đó, giới phê bình cho rằng điều này có thể gây tác động lớn tới các công ty công nghệ nhỏ hơn là các đại gia công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.