Ủy ban châu Âu đề xuất thành lập cơ quan bảo vệ biên giới chung

EC đã soạn thảo xong đề xuất thành lập một cơ quan bảo vệ biên giới trên bộ và trên biển chung, nhằm tăng cường kiểm soát biên giới nội khối trong bối cảnh khủng hoảng di cư trầm trọng hiện nay.
Ủy ban châu Âu đề xuất thành lập cơ quan bảo vệ biên giới chung ảnh 1Người di cư tới đảo Lesbos, Hy Lạp sau hành trình vượt biển Aegean đầy nguy hiểm. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã soạn thảo xong đề xuất thành lập một cơ quan bảo vệ biên giới trên bộ và trên biển chung, nhằm tăng cường kiểm soát biên giới nội khối trong bối cảnh khủng hoảng di cư trầm trọng hiện nay.

Ủy viên châu Âu về chính sách di cư Dimitris Avramopoulos cho biết cơ quan mới sẽ có khoảng 1.000 nhân viên với nhiệm vụ bảo vệ biên giới của khối, hỗ trợ người di cư và tiến hành các chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn đối với người di cư.

Cơ quan này cũng có quyền can thiệp khi chính quyền nước sở tại không có khả năng giải quyết khủng hoảng.

Cơ quan bảo vệ biên giới sẽ hợp tác chặt chẽ với các trung tâm tiếp nhận người di cư của EU, các trung tâm trung chuyển đã được lập kế hoạch xây dựng tại Hy Lạp và miền Nam Italy để đảm bảo công tác nhận diện, đăng ký và phân loại người di cư được toàn diện hơn.

Ông Avramopoulos cũng khẳng định tất cả những đối tượng di cư vào lãnh thổ EU đều phải chấp nhận và tôn trọng các quy định của khối.

Vấn đề nhận diện người di cư càng trở nên cấp thiết sau khi hai trong số các thủ phạm thực hiện loạt vụ tấn công đẫm máu tại thủ đô Paris của Pháp hôm 13/11 làm 130 người chết đã trà trộn vào dòng người di cư vào châu Âu.

Sau vụ việc, EU đã chỉ trích Hy Lạp và Italy, hai điểm nóng tập trung đông người di cư nhất, đã không tuân thủ quy định của EU về lấy dấu vân tay người di cư khi họ qua lãnh thổ nước mình.

Sáng kiến của EC sẽ được thảo luận tại Nghị viện châu Âu vào tuần tới, sau đó sẽ được bỏ phiếu thông qua tại quốc hội của tất cả các nước thành viên EU trước khi được triển khai.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế, từ đầu năm đến nay, khoảng 860.000 người di cư đã đặt chân đến châu Âu qua đường bộ và đường biển, với đích đến cuối cùng là các nước thành viên giàu có của EU, gây nên cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Hôm 4/12, Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU đã đặt ra vấn đề tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen (quy định miễn thị thực đi lại giữa 22 nước thành viên EU và 4 quốc gia ngoài EU) trong hai năm do cuộc khủng hoảng người di cư đang tạo ra những nguy cơ an ninh rất lớn cho toàn bộ khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.