Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Còn nhiều hồ, đập không bảo đảm an toàn

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một trong những vấn đề nổi lên về kinh tế-xã hội cần được nhấn mạnh thêm hiện nay là còn nhiều hồ, đập chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn...
Nhiều hồ chứa đứng trước nguy cơ vỡ đập. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)

Sáng 22/7, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo ôngVũ Hồng Thanh, trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, về tổng thể, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn những vấn đề nổi lên.

Một số vấn đề nổi cộm được ông Thanh nhắc tới là biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; tình trạng hạn hán, thiếu nước, cạn kiệt nước ngầm; phá rừng, khai thác cát, đá, sỏi trái phép còn diễn ra ở một số nơi. Ngoài ra, còn nhiều hồ, đập chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn; chất lượng môi trường nhiều nơi xuống cấp.

Theo báo cáo thẩm tra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay còn 50% số hồ xuống cấp cần phải tu sửa, trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ mất an toàn.

Tương tự, tại tỉnh Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp, 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao. Tại tỉnh Hòa Bình có 544 hồ chứa thì 192 hồ hư hỏng, xuống cấp.

[Hồ chứa thủy lợi với nguy cơ tiềm ẩn 'quả bom nước' trong mùa mưa bão]

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý thời gian tới nhiều vấn đề xã hội, môi trường như già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra bất thường, bảo vệ độc lập, chủ quyền sẽ còn nhiều thách thức cũng có thể tác động lớn đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần quy định cụ thể thời hạn, lộ trình thực hiện để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng như các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai; tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc; thực hiện theo lộ trình cắt giảm phát thải vào năm 2030 như đã cam kết.

Cụ thể, theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật mới nhất, vào năm 2030, Việt Nam có thể giảm tối đa 27% lượng phát thải, 250,8 triệu tấn CO2 tương đương. Mức giảm này gần bằng tổng phát thải của Việt Nam vào năm 2014.

Trong NDC cập nhật mới nhất, Việt Nam đã đưa ra với cộng đồng quốc tế các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trên 5 lĩnh vực: Năng lượng, nông nghiệp, các quá trình công nghiệp, chất thải và sử dụng đất../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục