Uy tín của Thủ tướng Italy Matteo Renzi tiếp tục bị giảm sút

Uy tín của Thủ tướng Italy Matteo Renzi đang tiếp tục bị giảm sút, trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn chìm trong suy thoái.
Uy tín của Thủ tướng Italy Matteo Renzi tiếp tục bị giảm sút ảnh 1Thủ tướng Italy Matteo Renzi trong cuộc họp báo tại Rome. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các cuộc thăm dò của nhiều cơ quan điều tra dư luận Italy trong thời gian qua cho thấy, uy tín của Thủ tướng Matteo Renzi đang giảm sút, trong thời điểm nền kinh tế Italy tiếp tục chìm trong suy thoái và chính phủ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua các quyết sách của mình.

Cuộc thăm dò của Viện nghiên cứu dư luận có uy tín Ixe công bố hôm 7-11 cho thấy, chỉ số uy tín của Thủ tướng Matteo Renzi đã giảm 1% trong tuần qua, xuống còn 45% và giảm 3% so với tuần trước đó.

Một cuộc thăm dò khác công bố tuần qua trên nhật báo hàng đầu Corriere della Sera cũng cho thấy, mặc dù 54% số người được hỏi ủng hộ ông Renzi, giảm 6% so với thời điểm mà đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền mà ông là một trong số những lãnh đạo quan trọng nhất giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu hồi tháng 5 vừa qua.

Trong khi đó, uy tín cá nhân của Salvini, người đứng đầu đảng thiên hữu Liên đoàn Phương Bắc, đã tăng 1%, đạt 21%, giúp ông vượt qua nhiều người khác để trở thành chính trị gia đối lập có nhiều người ủng hộ nhất.

Cuộc thăm dò của Ixe cũng cho thấy, uy tín của chính phủ Italy do Renzi đứng đầu cũng chỉ còn ở mức 43%, giảm 5% so với thời điểm một tháng trước.

Tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng Pd cũng giảm nhẹ 0,1% so với tuần trước, còn 38,9%, nhưng đã tụt hơn 10% so với mùa hè. Mặc dù vậy, Pd vẫn đang bỏ xa các chính đảng đứng sau, như Phong trào 5 sao (M5S), với 19,9% (cũng tụt 0,1%) và Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi (đạt 15,2%, tăng 0,1% so với tuần trước).

Theo nhật báo Corriere della Sera, sự sụt giảm uy tín của Thủ tướng Renzi phản ánh một cách sâu sắc những vấn đề của đất nước. Tỷ lệ cử tri đứng về phía Renzi, chính phủ của ông và đảng Pd đã rất cao kể từ sau khi nội các do Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italy này đứng đầu được thành lập vào cuối tháng 2/2014.

Sức trẻ, sự quyết đoán và tự tin cũng như những đề xuất cải cách của chính phủ đã tạo được niềm tin lớn lao từ các cử tri, vào một sự thay đổi theo hướng tích cực cho Italy trong hoàn cảnh hiện tại.

Tuy nhiên, việc Italy một lần nữa rơi vào suy thoái kinh tế, cuộc suy thoái thứ ba trong vòng 6 năm qua, với tỉ lệ thất nghiệp và nợ công đã lên đến mức kỷ lục, trong khi nhiều đề xuất cải cách về kinh tế, việc làm và chính trị mà chính phủ đề xuất bị mắc kẹt ở Quốc hội, hoặc chìm trong những tranh cãi giữa các lực lượng xã hội, là nguyên nhân chính khiến uy tín của Renzi và chính phủ giảm sút.

Dự luật cải cách lao động, với việc sửa đổi điều 18 của Luật lao động, cho phép các doanh nghiệp sa thải người lao động dễ dàng hơn, đã gây ra những mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ đảng Pd cũng như phản ứng mạnh mẽ từ các nghiệp đoàn xã hội.

Việc thúc đẩy cải cách bầu cử, một đề xuất quan trọng mà Renzi thúc đẩy, cũng đang gặp khó khăn, sau khi ông Berlusconi, đối tác mà Renzi thương lượng cho cải cách này, tuyên bố rút lui, không ủng hộ chính phủ.

Điều này càng gia tăng khó khăn cho ông Renzi và chính phủ trong quá trình thúc đẩy những cải cách mà họ đặt nhiều hy vọng. Tuy nhiên, hôm 6/11, ông Renzi đã tuyên bố, chính phủ vẫn tiếp tục tiến tới trên con đường cải cách. Cũng theo ông, tuần tới, chính phủ sẽ trình lên Thượng viện nội dung cải cách luật bầu cử.

Corriere della Sera nhận xét rằng, Thủ tướng Renzi và chính phủ sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian cuối năm, khi chính phủ đưa ra dự luật ngân sách cho năm 2015.

Rất nhiều chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Renzi đã vấp phải các phản ứng mạnh mẽ từ dư luận liên quan đến các dự luật Ngân sách này, do chính phủ buộc phải tiến hành chính sách cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ trong các ngành dịch vụ và phúc lợi xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.