Vaccine AstraZeneca ngăn ngừa bệnh nhân COVID-19 biến chứng nguy hiểm

Theo nghiên cứu, trong số hơn 17.600 người được tiêm vaccine AstraZeneca, không có trường hợp nào mắc triệu chứng bệnh nghiêm trọng hoặc tình trạng bệnh chuyển biến nặng và không có ca tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho người dân tại Brest, Pháp ngày 12/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca đã cho thấy hiệu quả 74% trong việc ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh và tỷ lệ này là 83,5% đối với những người từ 65 tuổi trở lên.

Đây là kết qua cuộc nghiên cứu lâm sàng do AstraZeneca tiến hành tại Mỹ và công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine số ra ngày 29/9.

Kết quả này có được dựa trên cuộc thử nghiệm lâm sàng với hơn 26.000 tình nguyện viên ở Mỹ, Chile và Peru.

Những người này được tiêm hai mũi vaccine của AstraZeneca với khoảng cách giữa mỗi mũi là 1 tháng, hoặc được tiêm giả dược.

[Phát hiện mới về lượng kháng thể giảm sau một thời gian tiêm vaccine]

Theo nghiên cứu, trong số hơn 17.600 người được tiêm vaccine, không có trường hợp nào mắc triệu chứng bệnh nghiêm trọng hoặc tình trạng bệnh chuyển biến nặng và không có ca tử vong.

Trong khi đó, đối với 8.500 tình nguyện viên sử dụng giả dược, thì có 8 trường hợp bệnh chuyển nặng và 2 ca tử vong.

Tiến sỹ Anna Durbin, nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Johns Hopkins và là một trong những giám sát viên của nghiên cứu nói trên, nhấn mạnh vaccine có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ tình trạng bệnh trở nặng và nguy cơ phải nhập viện.

Ngoài ra, không có trường hợp nào xảy ra tác dụng phụ đông máu hay còn gọi là huyết khối với việc giảm tiểu cầu xảy ra sau khi tiêm chủng.

Mức độ hiệu quả 74% trên thấp hơn so với mức 79% mà hãng AstraZeneca đưa ra trong một báo cáo sơ bộ tháng Ba vừa qua.

Hãng này sau đó cũng đã điều chỉnh tỷ lệ hiệu quả xuống còn 76% sau khi các nhà chức trách cho rằng tỷ lệ 79% dựa trên số liệu cũ.

Cuối tháng Bảy, AstraZeneca thông báo kế hoạch nộp hồ sơ lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ để xin cấp phép sử dụng hoàn toàn thay vì sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 của mình.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot cho biết ông hy vọng vaccine có thể được sử dụng hoàn toàn tại Mỹ, mặc dù quá trình này mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Ngoài ra, công ty cũng đang nghiên cứu, phát triển các liều tăng cường đối với những người được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine của AstraZeneca, hoặc 2 mũi của các hãng Pfizer/BioNTech hay của Moderna.

Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca có tên Vaxzevria đã được cấp phép sử dụng tại hơn 170 quốc gia trên thế giới.

Cùng ngày, Slovenia quyết định đình chỉ việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Johnson&Johnson do ghi nhận một trường hợp tử vong sau khi tiêm vacicne của hãng này.

Trường hợp tử vong là một phụ nữ 20 tuổi. Người này đã tiêm vaccine của Johnson&Johnson vào ngày 27/9 và đã tử vong vào rạng sáng 29/9 do xuất huyết não và đông máu.

Bộ trưởng Y tế Slovenia  Janez Poklukar cho biết sẽ đình chỉ việc sử dụng vaccine này cho đến khi làm rõ nguyên nhân khiến người phụ nữ trên tử vong.

Trước đó, các chuyên gia đã khuyến nghị chính phủ dừng sử dụng vaccine của hãng Johnson & Johnson vì cho rằng có sự liên hệ "không mong muốn" giữa trường hợp tử vong trên với việc tiêm vaccine.

Cho tới nay, khoảng 47% trong tổng số 2 triệu dân tại Slovenia đã tiêm đủ liều và đây là một trong số các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục