Một nghiên cứu lấy mẫu thí nghiệm quy mô nhỏ cho thấy vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) nhiều khả năng sản sinh kháng thể chưa đủ chống lại biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Brazil.
Tuy nhiên, khả năng bảo vệ của CoronaVac cho thấy các cơ chế khác của hệ miễn dịch cũng góp phần làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Thời gian qua, sự xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 đã làm gia tăng lo ngại về hiệu quả của các loại vắcxin và thuốc, vốn được phát triển dựa trên các chủng virus trước đó.
Nghiên cứu trên do nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Sao Paulo (Brazil), Đại học Y Washington (Mỹ) và một vài viện nghiên cứu khác tiến hành.
Theo nghiên cứu, các mẫu huyết thanh lấy từ 8 người được tiêm vắcxin CoronaVac của hãng Sinovac không vô hiệu hóa hoàn toàn biến thể phát hiện ở Brazil.
[Nga và Trung Quốc: Đối tác hay đối thủ trong cuộc đua vắcxin?]
Báo cáo cho biết các kết quả trên chứng tỏ biến thể xuất hiện ở Brazil có thể tránh được các kháng thể sản sinh từ vắcxin CoronaVac.
Hiện CoronaVac đang được sử dụng rộng rãi trong các chương trình tiêm chủng tại nhiều nước như Trung Quốc, Brazil, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phía Sinovac chưa đưa ra bình luận về nghiên cứu trên. Ngày 4/3, giám đốc điều hành (CEO) của hãng cho biết công ty đang "phát huy tối đa" khả năng nghiên cứu và sản xuất nhằm phát triển một loại vắcxin mới để chống lại các biến thể nếu cần thiết.
Ông cũng khẳng định quy trình sản xuất vắcxin mới này sẽ tốn ít thời gian hơn nhiều so với CoronaVac./.