Vắcxin Sputnik-V của Nga chưa được thử nghiệm lâm sàng ở Brazil

Các bang Parana và Bahia có thỏa thuận về việc thử nghiệm và sản xuất hoặc phân phối vắcxin “Sputnik-V” đến nay vẫn chưa trình đơn xin phép thử nghiệm lâm sàng tại Brazil.
Vắcxin Sputnik-V của Nga chưa được thử nghiệm lâm sàng ở Brazil ảnh 1Vaccine Sputnik V phòng COVID-19 của Nga. (Ảnh: Yonhap/ TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ đưa tin, ngày 6/10, cơ quan điều phối y tế Brazil Anvisa cho biết chương trình thử nghiệm giai đoạn 3 loại vắcxin “Sputnik-V” ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga vẫn chưa được bắt đầu tại Brazil, trong khi các loại vắcxin tương tự của Anh và Trung Quốc đã bắt đầu đem lại những kết quả sơ bộ.

Theo thông báo chính thức của Anvisa, các bang Parana và Bahia có thỏa thuận về việc thử nghiệm và sản xuất hoặc phân phối vắcxin “Sputnik-V” đến nay vẫn chưa trình đơn xin phép thử nghiệm lâm sàng tại Brazil mặc dù đã tiến hành một số cuộc họp thảo luận về vấn đề này.

Trong khi đó, các chương trình thử nghiệm liên quan đến loại vắcxin ngừa COVID-19 của trường đại học Oxford và AstraZeneca của Anh, cũng như của Sinovac Biotech (Trung Quốc) đã được thực hiện và các dữ liệu ban đầu đã được gửi tới Anvisa.

Cơ quan này sẽ đánh giá một cách tổng thể các tài liệu được các bên liên quan cung cấp, xem xét kết quả đầy đủ trước khi cấp phép cho các loại vắcxin trên.

Brazil là quốc gia có số lượng ca mắc COVID-19 cao nhất ở Mỹ Latinh với hơn 4,9 triệu trường hợp, trong đó có 146.675 người tử vong.

Châu Âu đối mặt với tình trạng thiếu thuốc Remdesivir

Nguồn tin quan chức châu Âu ngày 6/10 cho biết các nước Liên minh châu Âu (EU) hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do nguồn cung bị hạn chế và đang cạn kiệt, trong khi số ca bệnh tăng cao và Mỹ đã mua phần lớn sản lượng của hãng sản xuất thuốc Gilead.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tháng 7 vừa qua, 27 quốc gia thuộc EU và Anh, với dân số 500 triệu người, đã mua được lượng thuốc để điều trị cho khoảng 30.000 bệnh nhân.

[Châu Âu bắt đầu đánh giá cấp phép vắcxin COVID-19 của BioNTech-Pfizer]

Trong khi đó, tính đến tháng 9, Mỹ đã ký một thỏa thuận mua hơn 500.000 liều, chiếm phần lớn sản lượng của Gilead. Người phát ngôn Bộ Y tế Hà Lan Martijn Janssen nói rằng nguồn cung Remdesivir đã cạn kiệt.

Số ca nhập viện vì COVID-19 trên khắp châu Âu đang gia tăng nhanh chóng, mặc dù ở hầu hết các quốc gia vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức hồi mùa Xuân.

Theo người phát ngôn Martijn Janssen, do số người nhập viện tăng, nhu cầu về thuốc Remdesivir cũng gia tăng nhanh chóng.

Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho hay thuốc đã bị thiếu hụt tại một số bệnh viện. Lô hàng mới nhất của nước này do EU đặt hàng đã đến vào ngày 2/10.

Vắcxin Sputnik-V của Nga chưa được thử nghiệm lâm sàng ở Brazil ảnh 2Thuốc Remdesivir. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cơ quan y tế Tây Ban Nha, quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu, cảnh báo đất nước đã phải trải qua tình trạng thiếu hụt thuốc vào cuối tháng 8. Trong khi đó, theo Bộ Y tế Anh, quốc gia này đã tham gia chương trình mua sắm thuốc Remdesivir của EU, đã phân bổ nguồn cung cấp, ưu tiên những bệnh nhân COVID-19 cần thuốc nhất.

Thuốc kháng virus Remdesivir đã được chứng minh là có thể rút ngắn thời gian hồi phục tại bệnh viện cho những trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng. Remdesivir và Steroid dexamethasone là những loại thuốc duy nhất được EU cho phép điều trị COVID-19. Cả hai loại  này đều đã được dùng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sự thiếu hụt có thể gây ra các tranh luận về tính khả dụng và giá cả của thuốc trị COVID-19. Trong khi Sexamethasone được bán rộng rãi và rẻ, thì Remdesivir được bảo hộ bởi bằng sáng chế của Gilead.

Nguồn cung được EU bảo đảm cho đến nay được tính là đáp ứng nhu cầu cho đến cuối tháng 9. Một số quan chức cho biết các đợt giao hàng mới dự kiến sẽ sớm được thực hiện. Hiện Ủy ban châu Âu đang đàm phán với Gilead về một thỏa thuận cung cấp mới, dự kiến hoàn tất vào đầu tháng 10 để ngăn chặn "khả năng ngắt quãng trong giao hàng."

Trong khi đó, Gilead cũng đã mở rộng năng lực sản xuất của mình. Tuần trước, hãng này cho biết họ đang đáp ứng cho đơn hàng của Mỹ và dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu toàn cầu vào tháng 10, ngay cả trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong thời gian tới.

Các cơ số thuốc điều trị sẵn có của EU cho đến nay được phân chia dựa theo số ca bệnh và tỷ lệ nhập viện. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia thuộc EU đều phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị COVID-19. Bộ Y tế Đức cho biết kho dự trữ Remdesivir của nước này có thể đủ dùng cho những tháng tới.

Thụy Sĩ đánh giá khoa học vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca

 Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Thụy Sĩ (Swissmedic) ngày 6/10 thông báo đã bắt đầu tiến hành đánh giá khoa học vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca, công ty dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia của Anh và Thụy Điển có trụ sở chính tại Cambridge (Anh).

Đây là lần đầu tiên một công ty sản xuất dược phẩm đăng ký một loại vắcxin COVID-19 để được phê duyệt ở Thụy Sĩ.

AstraZeneca, phối hợp với Đại học Oxford (Anh) phát triển Vắcxin, đã nộp đơn đăng ký cho Swissmedic vào đầu tháng này. Đánh giá khoa học về Vắcxin sẽ được thực hiện thông qua quá trình "nộp hồ sơ."

Điều này cho phép một công ty dược phẩm khởi động quy trình đăng ký trước khi quá trình phát triển sản phẩm hoàn tất.

Swissmedic lưu ý rằng trong quá trình đánh giá vắcxin một cách độc lập, họ cũng tiến hành làm việc chặt chẽ với các cơ quan đối tác ở nước ngoài. Không có sản phẩm thuốc nào có thể được đưa vào thị trường Thụy Sĩ mà không có sự chấp thuận của Swissmedic.

Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện trực tuyến vào cuối tháng 9 ở Thụy Sĩ cho thấy khoảng 54% số người được hỏi tuyên bố sẽ tiêm phòng vắcxin ngừa COVID-19.

Kể từ giữa tháng 6, số ca mắc mới COVID-19 đã tăng đều ở Thụy Sĩ. Số ca mắc mới tính trung bình trong tuần tính đến ngày 6/10 đã tăng hơn 40% so với tuần trước đó. Trong vòng 24 giờ qua, Thụy Sĩ có thêm 700 ca nhiễm mới - mức cao nhất trong ngày kể từ đầu tháng 4 tới nay.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 0 giờ 15 ngày 7/10 (theo giờ Việt Nam), Thụy Sĩ ghi nhận tổng cộng 56.632 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.081 trường hợp tử vong và 47.300 bệnh nhân đã bình phục và xuất viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.