Vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng các thành viên ASEAN sẽ khó bị thuyết phục và ASEAN sẽ duy trì vai trò trung tâm trong mối quan hệ phức tạp Mỹ-Trung.
Vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (phải) tại cuộc gặp ở Putrajaya, Malaysia ngày 15/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, các chuyên gia phân tích cho rằng Mỹ đã nhận thấy những thách thức nhất định của việc xây dựng mối quan hệ mật thiết với các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nên họ đang nuôi dưỡng ý tưởng liên minh với Nhật Bản trong một nỗ lực nhằm khuyến khích các nước Đông Nam Á đối trọng lại với Trung Quốc.

Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao hàng đầu của Washington và Tokyo đã nhất trí về một cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm tăng cường khả năng ứng phó trong việc đối trọng với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

ASEAN đã trở thành "chiến trường then chốt" của cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang hướng tới ba quốc gia ASEAN để theo đuổi điều mà các nhà phân tích dự đoán là một "sự can thiệp rập khuôn về mối đe dọa từ Trung Quốc.”

[Tương lai châu Á: ASEAN có thể là cầu nối hợp tác giữa Mỹ, Trung Quốc]

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các thành viên ASEAN sẽ khó bị thuyết phục và ASEAN sẽ duy trì vai trò trung tâm trong mối quan hệ phức tạp Mỹ-Trung.

Truyền thông đưa tin trong cuộc gặp hôm 11/12 bên lề cuộc họp Ngoại trưởng G7 kéo dài hai ngày tại Liverpool (Anh), Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và ông Blinken đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác với ASEAN cũng như các quốc gia cùng chí hướng như Australia và Ấn Độ, một động thái nhằm tăng cường liên minh các nước để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hai quan chức này đã nhất trí rằng việc tăng cường những năng lực phản ứng của liên minh trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng khắc nghiệt là điều không thể thiếu được.

Trần Tương Miễu, một Trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) Quốc gia, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng sẽ là dễ dàng hơn và rẻ hơn rất nhiều cho Mỹ nếu Washington “lôi kéo” được ASEAN với sự trợ giúp của Nhật Bản, song liên minh này sẽ suy yếu do sự thận trọng của khối ASEAN đối với việc buộc phải chọn bên.

Chuyên gia này nêu rõ "nếu Nhật Bản tham gia, thì đây sẽ không phải là tình huống lựa chọn Mỹ hay Trung Quốc," đồng thời nhấn mạnh rằng đối với Nhật Bản, đó là một cơ hội lớn hơn để thể hiện và củng cố ảnh hưởng của họ ở khu vực.

Ngoài ra, chuyên gia Trần Tương Miễu cũng cho rằng một mục tiêu khác của một liên minh là giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 và Mỹ hiện vẫn từ chối quay trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó bao gồm một số quốc gia Đông Nam Á.

Chuyên gia Trần Tương Miễu nói rằng làm thế nào để Mỹ bù đắp các tác động kinh tế của Trung Quốc? Đây sẽ là một vấn đề quan trọng khác mà Mỹ phải lo lắng.

Các vấn đề kinh tế có thể là nhiệm vụ quan trọng nhất của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai và Mỹ hiện đang “để mắt” đến Nhật Bản, một quốc gia đã có quan hệ hợp tác sâu sắc với khối ASEAN.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây hoàn toàn không phải một nhiệm vụ dễ dàng. Năm 2020, ASEAN đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU) để lần đầu tiên trong lịch sử trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 12 năm qua.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẵn sàng cung cấp cho ASEAN một khoản hỗ trợ phát triển lên đến 1,5 tỷ USD trong ba năm tới để hỗ trợ các thành viên ASEAN chống dịch COVID-19 đồng thời phục hồi nền kinh tế.

Koh King Kee, Chủ tịch Trung tâm Vì châu Á Toàn diện Mới ở Malaysia, đã chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu hôm 12/12 rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 12 năm liên tiếp. Và Malaysia, với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong số các nước ASEAN, cần thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, để giúp phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch.

Về phía Mỹ, ông Blinken sẽ đến Indonesia, Malaysia và Thái Lan trong tuần này. Các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, đều đã có những chuyến thăm thường xuyên tới các nước Đông Nam Á.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, những chủ đề trong các chuyến thăm chính thức của Ngoại trưởng Blinken sẽ bao gồm việc nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa Mỹ và các nước này, xây dựng các chuỗi cung ứng linh hoạt, phục hồi kinh tế sau đại dịch và giải quyết vấn đề Myanmar.

Các chuyên gia cho rằng chuyến công du của ông Blinken nhằm mục đích khuyến khích khu vực ASEAN “nghiêng” về Mỹ, trong bối cảnh khối này đang ngày càng cảnh giác về mối quan hệ với Trung Quốc đang nóng lên gần đây.

Trong khi đó, năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm Quan hệ Đối thoại Trung Quốc-ASEAN, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ chia sẻ hơn nữa những lợi nhuận phát triển của mình với các đối tác ASEAN và mở cửa thị trường cho các đối tác ASEAN.

Mặc dù vậy, chuyên gia Koh King Kee cho rằng ASEAN sẽ duy trì vai trò trung tâm trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.

Đồng quan điểm này, chuyên gia Trần Tương Miễu nói rằng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đã và đang là mối lo ngày càng lớn đối với các nước ASEAN, vốn coi đây là nhân tố gây bất ổn cho hòa bình khu vực, ví dụ gần đây nhất là quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia.

Chuyên gia Koh King Kee nói với Thời báo Hoàn Cầu trước đây rằng AUKUS là một mặt trận đoàn kết do Mỹ lãnh đạo và là một thành phần bổ sung của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, có khả năng sẽ không có quốc gia ASEAN nào gia nhập liên minh do Mỹ lãnh đạo vì họ có các mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục