Những tranh cãi xoay quanh việc sợi amiăng trắng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu nay vẫn chưa có hồi kết, vậy loại vật liệu này có thật sự gây rủi ro về mặt sức khỏekhi được dùng làm nguyên liệu trong các sản phẩm khác?
Amiăng trắng trong sản xuất và sử dụng các vật liệu ma sát
Amiăng trắng là một thành phần quan trọng trong sản xuất các vật liệu ma sát như má phanh ô tô, đĩa đệm, khớp ly hợp và phanh thang máy. Loại sợi này tăng cường độ bền cho sản phẩm, tăng tính linh hoạt, chịu nhiệt cho dây phanh, bên cạnh các đặc tính khác như ma sát và chống mài mòn. Tỷ lệ amiăng trắng trong các sản phẩm ma sát chiếm khoảng 25% đến 65% trọng lượng sản phẩm.
Các điều tra toàn diện được tiến hành với sự hỗ trợ của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho thấy, trung bình có hơn 99,7% lượng amiăng bị phát tán do mài mòn không còn là amiăng nguyên chất mà đã được chuyển hoá thành các hợp chất khác như forsterite - một loại hợp chất đã được xác định là không gây ung thư ở động vật.
Một nghiên cứu về tỷ lệ tử vong (1942-1980) được thực hiện trên 13.460 công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất vật liệu ma sát hầu hết chỉ sử dụng amiăng trắng.
So với tỷ lệ tử vong quốc gia, không phát hiện tỷ lệ tử vong vượt quá mức bình thường tại nhà máy có liên quan đến ung thư phổi, ung thư dạ dày hoặc các bệnh ung thư khác. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng: "Kinh nghiệm tại nhà máy này trong suốt 40 năm cho thấy rằng amiăng chrysotile đã được dùng trong sản xuất mà không phát hiện được tỷ lệ tử vong vượt quá mức trung bình".
Amiăng trắng trong tấm lợp fibro ximăng
Amiăng trắng được sử dụng làm sợi gia cường trong sản phẩm tấm lợp fibro ximăng với tỷ lệ phối trộn từ 8-10%, còn lại là hỗn hợp ximăng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dưng) các sợi amiăng trắng có cấu trúc rỗng nên chất kết dính như ximăng sẽ lấp đầy các sợi này, tạo ra sự liên kết bền vững, rất khó phá hủy và phát tán ra môi trường.
Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật cho biết, năm 2015, Viện đã tiến hành một nghiên cứu về an toàn hóa chất trong đó có nghiên cứu về quy định của các nước quản lý, sử dụng an toàn và có trách nhiệm các sản phẩm amiăng.
Theo ông Dương, pháp luật các nước nêu ra rằng amiăng trắng được ngâm trong chất ép dính tự nhiên hay nhân tạo đều không cần áp dụng các quy định, biện pháp an toàn.
"Điều đó có nghĩa là nếu ép vào chất kết dính trong ximăng hay ép thành bánh trong các gioăng động cơ thì không cần áp dụng quy định an toàn kể cả tiêu hủy. Nước Mỹ đã từng ra lệnh cấm sử dụng sợi amiăng trắng nhưng tòa án tối cao đã gỡ bỏ lệnh cấm bởi những kết quả nghiên cứu cho thấy những sản phẩm không bở, không phát ra bụi sợi amiăng thì không gây ra ung thư phổi,” ông Ngô Vĩnh Bạch Dương cho hay.
Các nghiên cứu được thực hiện trên các đối tượng sống dưới mái nhà lợp bằng tấm fibro ximăng cũng cho thấy kết quả tương tự.
Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến 2014, Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã tiến hành điều tra về tình hình sức khỏe người dân tại xã Tân Trịnh và các xã thuộc huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang (tổng số 1.046 hộ, và 4.565 nhân khẩu), nơi có tới 70% số hộ gia đình sống cả đời dưới mái nhà lợp tấm lợp fibro ximăng.
Kết quả điều tra cho thấy, trong các xã thuộc huyện Quang Bình, xã Tân Trịnh có tỷ suất tử vong thấp hơn so với toàn huyện. Đặc điểm và tỷ suất tử vong do ung thư ở xã Tân Trịnh cũng chỉ đứng hàng thứ 5 trong 13 xã thuộc huyện Quang Bình (0.858%) nhưng vẫn trong giới hạn bình thường và chiếm tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn huyện. Phân tích mẫu không khí trong nhà người dân lợp mái bằng tấm lợp amiăng ximăng không tìm thấy sợi amiăng.
Các loại sợi thay thế khác có thực sự an toàn?
Nhiều năm qua, các ngành công nghiệp sử dụng amiăng trắng đã không ngừng nghiên cứu để tìm kiếm vật liệu thay thế cho loại sợi này. Tuy nhiên, bên cạnh những trở ngại về giá thành và đặc tính cơ lý, các loại vật liệu thay thế amiăng trắng vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn.
Không chỉ riêng trong ngành tấm lợp, vấn đề vật liệu thay thế cũng làm đau đầu các nhà sản xuất má phanh. Cho dù ngành công nghiệp này đã rót vốn để nghiên cứu sản phẩm thay thế amiăng trắng nhưng những vật liệu chịu ma sát được thử nghiệm lại có đặc tính vật lý, kĩ thuật kém hơn amiăng trắng.
Tại Mỹ, mỗi năm đều xảy ra tình trạng xe tải bị đứt phanh trên đường cao tốc, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo nghiên cứu của Tổ chức Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và Hội Kĩ sư Cơ khí Hoa Kỳ, các vụ tai nạn những năm gần đây đều liên quan tới những xe tải sử dụng phanh không chứa amiăng.
Nhằm khắc phục những hạn chế của phanh không chứa amiăng, các nhà sản xuất xe hơi đã phát triển hệ thống chống bó cứng phanh (ALS). Dù còn quá sớm để đánh giá ưu điểm cũng như những rủi ro về mặt sức khỏe của sản phẩm này, nhưng đánh giá một cách toàn diện thì giá thành của những chiếc xe sử dụng hệ thống này bị đội lên rất nhiều do chi phí phụ tùng đắt đỏ.
Để thay thế amiăng trắng trong vòng đệm của các hệ thống máy móc cần tới 50 đến 60 chất khác nhau. Bên cạnh đó, do việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các chất này khá tốn kém nên chi phí mà người tiêu dùng phải trả cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, vòng đệm không amiăng trắng có khả năng bị vỡ nếu sử dụng trong điều kiện nhiệt độ, áp lực cao. Hơn nữa, công tác bảo dưỡng vòng đệm thay thế cũng đòi hỏi nhiều thời gian và nhân lực hơn so với vòng đệm chứa amiăng.
Liên quan đến các vật liệu thay thế, cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại sợi thủy tinh, sợi gốm, sợi silic, sợi len đá vào nhóm các chất có khả năng gây ung thư.
Đặc biệt tại Mỹ và Đức, sợi thủy tinh được xếp vào trong danh sách các chất cần sử dụng đúng quy tắc để phòng tránh gây ung thư. Nghiên cứu khoa học năm 1994 mang tiêu đề “Sợi thủy tinh và ung thư” của tiến sỹ Peter F. Infante đã chỉ ra rằng, sợi thủy tinh còn có nguy cơ gây ung thư cao hơn sợi amiăng.
Thực tế, bất kỳ loại sợi nào cũng có khả năng mang hóa chất và các vi sinh chất gây hại vào cơ thể con người qua đường hô hấp. Dựa trên nghiên cứu năm 1999 về tác động đến sức khỏe con người của các chất thay thế amiăng do Viện Nghiên cứu Y tế và Sức Khỏe Quốc gia Pháp thực hiện, những nguy cơ về bệnh ung thư, xơ hóa phổi của các chất thay thế phụ thuộc vào liều lượng, kích thước, độ bền sinh học, bề mặt phản ứng và mức độ đào thải.
So với sợi amiăng trắng, sợi PVA và sợi kevlar có khả năng xâm nhập vào cơ thể con người kém hơn nhưng lại có độ bền sinh học cao hơn nên sẽ đào thải khỏi cơ thể lâu hơn. Một số nghiên cứu về hô hấp cho thấy sợi kevlar là một trong những chất gây xơ hóa màng phổi và ung thư trung biểu mô. Trong Nghiên cứu Sử dụng an toàn sợi tự nhiên và sợi nhân tạo, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng sợi kevlar gây xơ hóa màng phổi và khối u phổi trên động vật.
Sợi phốt phát, sợi carbon, sợi silic cũng nằm trong danh sách những chất cần quy định sử dụng nghiêm ngặt, dựa trên kết quả của các nghiên cứu tại Mỹ, Đức, Pháp từ năm 1976 đến năm 1993. Nghiên cứu của tiến sĩ Peter F. Infante kết luận rằng tất cả những sợi nhân tạo đều có khả năng gây ung thư nếu xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và mức độ nguy cơ gây ung thư của những chất này ít nhất cũng tương đương với amiăng trắng./.