Vấn đề Brexit: Anh công bố kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp

Giai đoạn này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian cần thiết để thực thi những tiến trình mới và triển khai các hệ thống mới, bao gồm cả việc hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại mới.
 Vấn đề Brexit: Anh công bố kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: Reuters)

Chính phủ Anh ngày 21/2 đã công bố dự thảo kế hoạch cho giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Giai đoạn này sẽ diễn ra trong khoảng thời gian cần thiết để thực thi những tiến trình mới và triển khai các hệ thống mới, bao gồm cả việc hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại mới. Tuy nhiên, Chính phủ Anh cũng cam kết hạn chế để giai đoạn này kéo dài không quá 2 năm sau khi London chính thức không còn là thành viên EU từ ngày 29/3/2019.

Theo phóng viên TTXVN tại London, văn bản dự thảo trên cũng cho thấy Anh sẽ tuân thủ các quy định mới của EU và tham gia các cuộc đàm phán về hạn ngạch đánh bắt cá trong tương lai, song London sẽ không thể ký kết các thỏa thuận thương mại nếu không có sự nhất trí của EU.

Trong bản dự thảo này, phía Anh chấp nhận quan điểm giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 2 năm, song cũng đề nghị EU ủng hộ đề xuất của London về thời gian chấm dứt quá trình trên, đồng nghĩa với việc cân nhắc một quá trình chuyển tiếp dài hơn so với đề xuất của Brussels.

Trong khi EU tuyên bố giai đoạn chuyển tiếp sẽ khép lại vào ngày 31/12/2020, tức là trùng với thời điểm kết thúc giai đoạn ngân sách hiện nay của khối, thì kế hoạch của Chính phủ Anh lại cho rằng thời gian chuyển tiếp sẽ được xác định dựa trên quá trình chuẩn bị và triển khai cho mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Bản kế hoạch trên do Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis công bố, có thể vấp phải sự chỉ trích của những nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ việc rời EU. Trong bản kế hoạch này, Chính phủ Anh không bác bỏ những đòi hỏi của EU về duy trì nguyên trạng tự do đi lại trong giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời không đề cập khả năng phủ quyết những luật mới của EU, cũng như việc Anh không có quyền thực hiện các thỏa thuận thương mại quốc tế mới nếu không có sự đồng ý của EU.

Kế hoạch này được công bố ngay sau khi hơn 60 nghị sỹ đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit đã gửi cho Thủ tướng Anh Theresa May một danh sách gồm các yêu cầu của họ đối với lập trường đàm phán Brexit của Anh, một ngày trước khi chính phủ họp bàn về phương hướng đàm phán Brexit. Các nghị sỹ này yêu cầu Anh phải có quyền đàm phán các thỏa thuận thương mại với các nước khác sau khi Anh rời EU, cũng như cần có đầy đủ quyền tự quyết về các quy định.

Theo các quan chức Brussels, dự kiến, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sẽ công bố văn bản hướng dẫn cho các cuộc thương lượng tiếp theo về mối quan hệ trong tương lai giữa EU và Anh tại một hội nghị thượng đỉnh, diễn ra trong hai ngày 22 và 23/2.

Cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hối thúc Chính phủ Anh đẩy nhanh tiến trình đàm phán Brexit, cho rằng London cần có hành động cụ thể hơn cho các kế hoạch chuẩn bị cho tiến trình này. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông có cuộc gặp với người đồng cấp Anh Theresa May tại số 10 phố Downing. Thủ tướng Rutte cho rằng thời gian không còn nhiều và hai bên cần hành động nhanh chóng, ông đồng thời hy vọng Anh và EU đạt được thỏa thuận có lợi cho hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.