Vấn đề Brexit: Anh lạc quan sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với EU

Phát biểu trước Quốc hội, Chánh Văn phòng Nội các Anh Michael Gove khẳng định Chính phủ Anh sẽ nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).
Cờ Anh (phải) và cờ EU tại London, Anh, ngày 17/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cờ Anh (phải) và cờ EU tại London, Anh, ngày 17/10/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/9, Chánh Văn phòng Nội các Anh Michael Gove bày tỏ tự tin rằng Anh có thể vượt qua khó khăn để đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu trước Quốc hội, ông Gove khẳng định Chính phủ Anh sẽ nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận. Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo Anh sẽ đối mặt với sự gián đoạn lớn hơn vào giai đoạn cuối của thỏa thuận chuyển tiếp với EU trong năm nay, nếu các doanh nghiệp không nhận thức được tầm quan trọng của thời hạn chót này và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Ông cho biết đối với ngành hậu cần và vận tải, các tài xế xe tải sẽ đối mặt với các biện pháp kiểm soát và quy trình hải quan mới bất kể Anh và EU có đạt được thỏa thuận thương mại hay không.

Trong trường hợp xấu nhất, khoảng 70% xe tải đến EU đều sẽ chưa sẵn sàng cho các biện pháp này. Điều này có thể dẫn tới các hàng dài với khoảng 7.000 xe tải chờ đợi để được vào EU và thời gian trì hoãn lên tới 2 ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

[Brexit: Trưởng đoàn đàm phán EU quyết tâm đạt thỏa thuận với Anh]

Trong khi đó, Thủ tướng Ireland Micheal Martin cũng bày tỏ tin tưởng rằng Anh và EU có thể đạt được thỏa thuận thương mại trong những tuần tới, bao gồm cả vấn đề gây tranh cãi liên quan đến các quy định viện trợ của nhà nước.

Ông nhấn mạnh EU mong muốn đạt được một thỏa thuận nhưng phải là thỏa thuận công bằng.

Anh chính thức rời EU vào ngày 31/1 vừa qua nhưng những điều khoản chính trong quan hệ song phương vẫn duy trì theo mô hình cũ cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020.

Anh và EU đã ấn định hạn chót ngày 15/10 tới để đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trong nhiều tuần qua rơi vào bế tắc do hai bên bất đồng về một số lĩnh vực chủ chốt như cạnh tranh và đánh cá.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố sẽ chấp nhận rời khỏi cuộc đàm phán mà không có thỏa thuận, dù trước đó ông cam kết sẽ nhanh chóng và dễ dàng đạt được một thỏa thuận với EU. 

Nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận đúng hạn chót thì hoạt động thương mại toàn cầu sẽ càng thêm hỗn loạn trong bối cảnh các nền kinh tế đều đang nỗ lực nối lại hoạt động sau thời gian phong tỏa vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Mối quan hệ thương mại song phương sẽ được định hình theo các tiêu chuẩn tối thiểu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những mức thuế quan cao và nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.