Vấn đề Brexit: Anh và EU nối lại đàm phán thỏa thuận thương mại

Theo giới phân tích các cuộc đàm phán giữa Anh và EU đều đang trong "thời gian bù giờ," nhưng bất kỳ một thỏa thuận nào vẫn cần được thảo luận và đưa ra để Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào cuối năm.
Vấn đề Brexit: Anh và EU nối lại đàm phán thỏa thuận thương mại ảnh 1Quyền đánh bắt cá là một trong những bất đồng chính cản trở một thỏa thuận mà hai bên đang rất cần đạt được.. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/11, các nhà đàm phán của Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại hậu Brexit nhằm thu hẹp những bất đồng cơ bản trong bối cảnh thời gian còn lại để hai bên đi đến thỏa thuận cuối cùng còn rất ít.

Sau các cuộc thảo luận mang tính kỹ thuật cuối tuần qua, cuộc đàm phán chính thức đã được nối lại bằng hình thức trực tuyến giữa phái đoàn của Anh do ông David Frost đứng đầu và phái đoàn EU do ông Michel Barnier đứng đầu.

Trên trang Twitter, ông Barnier cảnh báo: "Thời gian còn lại là rất ít. Những bất đồng cố hữu vẫn chưa được giải quyết, nhưng chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đạt được một thỏa thuận cuối cùng".

Theo giới phân tích các cuộc đàm phán giữa Anh và EU đều đang trong "thời gian bù giờ," nhưng bất kỳ một thỏa thuận nào vẫn cần được thảo luận và đưa ra để Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào cuối năm.

Trước đó, ngày 19/11, trưởng đoàn EU Michel Barnier đã tuyên bố tạm dừng các cuộc đàm phán với người đồng cấp Anh David Frost trong thời gian ngắn, sau khi một thành viên trong đoàn đàm phán của EU có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Vương quốc Anh đã rời khỏi EU vào tháng 1/2020 nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình đàm phán để đạt thỏa thuận điều chỉnh gần 1.000 tỷ USD trao đổi thương mại hằng năm trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, dự kiến vào ngày 31/12 tới.

Quyền đánh bắt cá cùng với các quy định về việc chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp Anh, và các giải quyết tranh chấp trong tương lai giữa EU với Anh là những bất đồng chính cản trở một thỏa thuận mà hai bên đang rất cần đạt được.

Cho đến nay, cả hai bên đều nói đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong đàm phán nhưng không nói rõ đó là trong lĩnh vực nào.

[Dịch COVID-19 tác động tới kinh tế Anh nhiều hơn thỏa thuận Brexit]

Theo phóng viên TTXVN tại Liên minh châu Âu, ngày 23/11, nhiều nghị sỹ châu Âu cho biết sự chậm trễ trong đàm phán có thể gây nguy hiểm cho việc phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận thương mại hậu Brexit nào sắp xảy ra.

Chủ tịch Ủy ban thương mại của Nghị viện châu Âu (EP) Bernd Lange dẫn đầu các cáo buộc trong bối cảnh các cuộc đàm phán hậu Brexit vẫn tiếp tục và các thời hạn chót đặt ra trước đây cho các vấn đề cần được thảo luận đã trôi qua.

Nếu một thỏa thuận thương mại hậu Brexit được thiết lập và thực thi vào cuối năm nay, thì thỏa thuận đó phải được EP phê chuẩn trước thời hạn, chưa kể việc giải quyết những vấn đề chính trị phức tạp có liên quan.

Nếu không có thỏa thuận, trao đổi thương mại EU-Anh sẽ bị áp thuế quan và hạn ngạch vào ngày 1/1/2021, điều này sẽ gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng và bất hòa ngoại giao.

Trên trang Twitter, ông Lange nhấn mạnh các nghị sĩ cần một văn bản, nếu không có sự phê chuẩn và giám sát thì dân chủ của EP sẽ là một "trò hề."

Phát biểu với báo chí, ông Lange cho biết rằng về mặt kỹ thuật thì thỏa thuận vẫn có thể đạt được đúng thời hạn, tuy nhiên toàn bộ quá trình không còn nghiêm túc nữa và sẽ không có sự giám sát giống như các  thỏa thuận thương mại khác.

Với khả năng "không thỏa thuận" có thể phá vỡ một nền kinh tế châu Âu vốn đã quỵ ngã vì đại dịch COVID-19, một số người tin rằng EP sẽ không bao giờ dám ngăn chặn một thỏa thuận.

Tuy nhiên, nghị sỹ người Đức Manfred Weber, lãnh đạo Đảng nhân dân châu Âu bảo thủ (EPP), nói rằng các thành viên EP sẽ đánh giá kỹ càng thỏa thuận một khi hai đoàn đàm phán ký kết.

Nhưng bất kỳ sự thực thi tạm thời nào của một hiệp định thương mại tự do mà không có sự chấp thuận của các nghị sỹ sẽ là một nền tảng xấu cho thỏa thuận có mức độ quan trọng đặc biệt như thế này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.