Vấn đề Brexit: EC đề xuất chế tài thương mại với Anh trong tương lai

Theo những đề xuất do Ủy ban châu Âu (EC), Anh có thể bị phạt hoặc mất quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường châu Âu nếu vi phạm những điều khoản của thỏa thuận thương mại tương lai với EU.
Vấn đề Brexit: EC đề xuất chế tài thương mại với Anh trong tương lai ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Chateleine)

Phóng viên TTXVN tại London đưa tin, theo những đề xuất do Ủy ban châu Âu (EC) đệ trình ngày 20/01, Anh có thể bị phạt hoặc mất quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường châu Âu nếu vi phạm những điều khoản của thỏa thuận thương mại tương lai với EU.

Đây là động thái của Brussels nhằm bảo đảm thương mại và các hoạt động tương lai với Anh hậu Brexit được bảo đảm bằng một loạt những điều khoản chặt chẽ, cho phép mỗi bên được hành động một cách quyết đoán để bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp bên kia vi phạm cam kết.

Pháp và một số thành viên chủ chốt khác trong EU đang gây sức ép để Anh phải tuân thủ các quy định của EU trong những lĩnh vực như chính sách môi trường và thị trường lao động, trợ cấp của nhà nước và thuế. EU cho rằng việc tuân thủ này là “đặc biệt cần thiết” để bảo vệ các doanh nghiệp của châu Âu khỏi sự cạnh tranh không bình đẳng.

Ngày 17/1 vừa qua, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid đã khẳng định nước Anh hậu Brexit sẽ không bao giờ chấp thuận tuân thủ quy định với Brussels. Tuyên bố này làm dấy lên lo ngại thực sự của EU về những tính toán của nước Anh. EU đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu về “một sân chơi bình đẳng” với những quy định chung mà EU yêu cầu Anh phải tuân thủ để đổi lấy một thỏa thuận thương mại phi thuế quan và phi hạn ngạch.

Trong cuộc họp với các nhà ngoại giao EU tại Brussels, Ủy ban châu Âu đã trình bày tóm tắt quy trình xử lý tranh chấp tương lai trong quan hệ với Anh, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt như “treo một phần hoặc toàn bộ thỏa thuận” và thậm chí là “bồi thường tài chính.” Brussels đặc biêt nhấn mạnh sự cần thiết phải có những biện pháp nhanh chóng, tức thời để phản ứng trong trường hợp Anh vi phạm “sân chơi bình đẳng.

[Chủ tịch EC cam kết nỗ lực đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit]

Đề xuất này đã nhận được phản ứng lạnh nhạt từ phía London, với việc các quan chức nước này chỉ ra rằng Thủ tướng Boris Johnson đang nhắm đến một thỏa thuận thương mại tự do tương đối lỏng lẻo, giống như mô hình hiện tại giữa EU và Canada. Mô hình này có một ủy ban giải quyết tranh chấp nhưng không bao gồm cơ chế trừng phạt tài chính. Các nhà ngoại giao Anh cho rằng những quy định chế tài do Ủy ban châu Âu đề xuất chỉ phù hợp với những quan hệ thương mại gần gũi giữa EU với Na Uy hoặc Ukraine.

Động thái báo hiệu khó khăn trong đàm phán sắp tới giữa Anh và EU xuất hiện cùng thời điểm chính phủ mới của ông Johnson vừa có thất bại đầu tiên trên chính trường, sau khi Thượng viện Anh bỏ phiếu ủng hộ một điều khoản bổ sung trong dự luật về Thỏa thuận Brexit yêu cầu cấp giấy tờ cụ thể công nhận quyền ở lại Anh cho công dân EU sau Brexit. Ông Steve Barclay, Bộ trưởng Brexit Anh, muốn áp dụng một cơ chế “định cư” điện tử cho công dân EU do lo ngại tình trạng làm giả giấy tờ. Gần như chắc chắn điều khoản bổ sung này của Thượng viện sẽ bị bác bỏ tại Hạ viện theo yêu cầu của Chính phủ.

EU đang quyết tâm không lặp lại những rắc rối như quan hệ giữa khối này với Thụy Sĩ. Brussels đang ngày càng không hài lòng với mối quan hệ giữa hai bên vì Thụy Sĩ được cho là đang hưởng quyền tiếp cận rộng rãi đối với thị trường EU thông qua một loạt những thỏa thuận nhỏ, nhưng lại có rất ít những giải pháp để xử lý bất đồng và tranh chấp. Các quan chức Ủy ban châu Âu nhấn mạnh sẽ không thể có quan hệ thương mại tương lai với Anh nếu hai bên không thể thống nhất về hệ thống chế tài tổng thể.

Theo tuyên bố chính trị về quan hệ tương lai, đã được cả Anh và EU đồng ý trong năm 2019, hai bên đều nhất trí cần có “những thỏa thuận chắc chắn, hiệu quả và nhanh chóng” để giải quyết tranh chấp, trong đó có đề cập đến những định hướng như tham vấn lẫn nhau, chuyển tranh chấp lên một ủy ban trọng tài độc lập, hoặc khả năng áp dụng các “chế tài tạm thời.”/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.