Vấn đề Brexit: EU đặt ra các điều kiện cho việc gia hạn mới

Các lãnh đạo EU và Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí gia hạn Brexit thêm 6 tháng, kèm theo một số điều kiện như bảo vệ khối khỏi sự can dự của Anh trong thời gian chờ "ly hôn."
Thủ tướng Anh Theresa May (giữa), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU về Brexit ở Brussels (Bỉ) ngày 10/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May (giữa), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU về Brexit ở Brussels (Bỉ) ngày 10/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí gia hạn Brexit thêm 6 tháng, đến ngày 31/10 tới. Tuy nhiên, thỏa thuận này kèm theo một số điều kiện, trong đó có điều kiện nhằm bảo vệ khối khỏi sự can dự của Anh trong thời gian chờ "ly hôn."

Thỏa thuận trên đặt thời hạn mới là ngày 31/10 để Anh phê chuẩn "Thỏa thuận ra đi" mà bà May đã nhất trí với các lãnh đạo EU hồi cuối năm 2018, song vẫn để ngỏ cánh cửa cho Brexit diễn ra vào bất cứ khi nào trước thời điểm này.

Nếu "Thỏa thuận ra đi" được Hạ viện Anh phê chuẩn trước thời hạn ngày 31/10, việc Anh rời EU sẽ diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng tiếp theo.

Các lãnh đạo EU nhấn mạnh: "Không thể để cho việc gia hạn Brexit hủy hoại sự vận hành bình thường của Liên minh và các thể chế trong liên minh."

Các nước EU đang tìm cách để đảm bảo rằng Anh không tham gia vào các quyết định sắp tới của EU về ngân sách mới cho nhiều năm tới, cũng như các chính sách thương mại hay việc bầu ra một chủ tịch mới cho Ủy ban châu Âu (EC).

Trước đó, những người ủng hộ Brexit cứng rắn tại Anh đã cảnh báo họ sẽ làm rối loạn hoạt động của EU.

Liên quan đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), các nhà lãnh đạo EU nêu rõ nếu Anh không phê chuẩn thỏa thuận "ly hôn" trước ngày 22/5, cử tri Anh sẽ phải tham gia cuộc bầu cử EP ngày 23-26/5.

Nếu London không đáp ứng một đòi hỏi pháp lý của EU, nước này sẽ rời khỏi Liên minh ngay trong ngày 1/6 mà không có thỏa thuận nào.

Liên quan đến ý tưởng tái đàm phán, các lãnh đạo EU một lần nữa khẳng định rằng "Thỏa thuận ra đi," đạt được tháng 11/2018 giữa EU và Thủ tướng May, không thể đàm phán lại. Nhiều thành viên đảng Bảo thủ của bà May phản đối điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận trên, vì cho rằng sẽ giữ vùng lãnh thổ Bắc Ireland mãi mãi trong liên minh thuế quan của EU.

[Brexit bế tắc và 7 câu hỏi lớn cần sớm có lời giải]

Các lãnh đạo EU cũng nhấn mạnh rằng EU và Anh không được sử dụng việc gia hạn để bắt đầu tái đàm phán về một quan hệ hậu Brexit, bao gồm cả thương mại. Tuy nhiên, nếu Anh đưa ra các ý tưởng mới về quan hệ tương lai, EU có thể "cân nhắc lại tuyên bố chính trị về quan hệ tương lai," lộ trình cũng đã được EU nhất trí tháng 11/2018.

Các cuộc thảo luận mới phải phù hợp với các định hướng đàm phán của EU, bao gồm sự đảm bảo về việc duy trì biên giới mở trên đảo Ireland.

Các lãnh đạo EU cũng ghi nhận cam kết của London sẽ hành động trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm trong thời gian gia hạn, phù hợp với "nghĩa vụ hợp tác chân thành" như một thành viên đang ra đi. Như vậy, Anh phải "tạo điều kiện hoàn thành các nhiệm vụ của Liên minh và không áp dụng bất kỳ biện pháp nào có thể gây nguy hiểm cho việc đạt các mục tiêu của Liên minh."

Một điều kiện khác là ngoài các cuộc họp giữa Anh và các thành viên còn lại của EU thảo luận về Brexit, London sẽ bị loại khỏi các cuộc đàm phán liên quan đến mọi công việc của EU hậu Brexit.

Các lãnh đạo EU sẽ rà soát lại tiến bộ quá trình này tại hội nghị thượng đỉnh thường kỳ vào tháng 6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.