Một tuần trước cuộc trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Anh ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), dường như cử tri Anh vẫn đang đứng ở "ngã ba đường" khi mà kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ người ủng hộ “ra đi” và số người muốn ở lại luôn bám đuổi từng ngày, còn tỷ lệ cử tri do dự vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, chiến dịch vận động của cả hai phe đã phải tạm dừng ngày 16/6 sau vụ nữ nghị sỹ thuộc Công đảng đối lập Anh Jo Cox bị bắn và đâm dẫn tới tử vong khi chuẩn bị tiếp xúc cử tri để vận động Anh ở lại, và thủ phạm được cho là người ủng hộ Brexit (Anh ra khỏi EU), đang làm vấn đề này trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Những người muốn Anh ở lại "ngôi nhà chung EU" bám vào khía cạnh "xáo trộn" và "bất ổn" để chứng minh rằng nước Anh sẽ thiệt hại lớn nếu từ bỏ những gì London đang được hưởng với tư cách thành viên EU trong hơn 40 năm qua, đặc biệt là yếu tố kinh tế. Hàng loạt số liệu cụ thể về mức độ thiệt hại được đưa ra, cả trước mắt lẫn lâu dài.
Theo phe phản đối Brexit, nếu "chia tay" EU, Anh sẽ bước vào "một thập niên bất ổn". Kinh tế Anh sẽ tuột dốc trong 5 năm tới, sẽ chịu tổn thất đến 100 tỷ bảng - tương đương 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ ba EU, GDP sẽ giảm từ 4-10% do thất thu về thương mại và tài chính, đồng bảng mất giá 20%, gần 1 triệu người lao động mất việc làm do hàng trăm doanh nghiệp rời khỏi Vương quốc Anh...
Đặc biệt, do London được coi là “lá phổi", là "trái tim" tài chính của châu Âu nên việc rời EU sẽ khiến Anh mất đi vai trò trọng yếu của một trung tâm tài chính và lợi thế là cánh cổng kết nối thị trường thế giới với châu Âu.
Bên cạnh đó, rời khỏi EU cũng đồng nghĩa với việc Anh phải "làm lại từ đầu" trong hàng loạt lĩnh vực, điều này đẩy London vào thời kỳ xáo trộn. Chính phủ Anh cảnh báo rằng khi người dân chọn con đường "dứt áo ra đi," Anh có thể sẽ phải mất tới 10 năm để giải quyết mọi vấn đề.
Trước hết là về việc rời EU, bởi Hiệp ước Lisbon năm 2009 đề cập việc một nước có thể xin rút khỏi khối, song không quy định cụ thể trình tự, thủ tục và các bước tiếp theo sẽ như thế nào. Nếu Brexit trở thành hiện thực, Anh sẽ phải đệ trình lên Hội đồng châu Âu “đề nghị xin rút khỏi EU” và khi đó, quá trình đàm phán trong EU về Brexit mới chính thức.
Tùy theo tính chất phức tạp của các cuộc đàm phán, thời gian để hoàn tất và Brexit chính thức có hiệu lực có thể mất từ 4 đến 10 năm. Đó là chưa kể các thỏa thuận trong tương lai với EU và các thỏa thuận thương mại với các nước ngoài EU, bởi khi đó Anh sẽ phải xúc tiến các cuộc đàm phán với ít nhất 50 nước đang có thỏa thuận thương mại với EU. Như vậy, lựa chọn rời EU sẽ là sự khởi đầu, chứ không phải là điểm kết thúc của một tiến trình kéo dài và phức tạp khôn lường.
Ngoài các vấn đề kinh tế, việc London ở lại hay rời khỏi EU đều liên quan chặt chẽ với số phận chính trị của Thủ tướng David Cameron và đảng Bảo thủ. Trong ngắn hạn, cuộc trưng câu dân ý sẽ tạo ra những rắc rối chính trị ngay lập tức đối với Chính phủ Anh. Nếu xảy ra kịch bản Brexit, những áp lực chính trị từ người dân và nội bộ đảng Bảo thủ nhiều khả năng sẽ buộc ông Cameron phải từ chức. Điều này sẽ buộc đảng Bảo thủ Anh phải cải tổ nội các và chọn ra một thủ tướng mới, thậm chí có thể nước Anh phải tiến hành bầu cử trước thời hạn.
Phe ủng hộ Anh ở lại nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của nhiều lãnh đạo các nước EU, thậm chí lãnh đạo nhiều cường quốc như Mỹ, Nhật Bản cũng lên tiếng thuyết phục người dân Anh không rời khỏi "ngôi nhà chung."
Giới phân tích cho rằng sự lựa chọn “Có” trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới có lẽ sẽ là cú đánh trực diện nhằm thẳng vào sự tự tin và địa vị quốc tế của EU, tạo “lỗ hổng” lớn trong ngân sách chung bởi Anh là nước đóng góp nhiều thứ ba cho ngân sách và khiến liên minh này đi chệch khỏi mục tiêu trở thành một nền kinh tế cởi mở và giàu tính cạnh tranh hơn.
Những cảnh báo về mức độ thiệt hại lúc này không chỉ dành cho nước Anh, chính EU cũng đang phải tính đến một kịch bản với sự xáo trộn đáng kể khi thiếu vắng tiếng nói của một thành viên vốn được coi là chủ chốt lâu nay.
Nếu Brexit trở thành hiện thực, trong vòng 2 năm hoặc hơn, EU sẽ phải dồn sức lực và thời gian để giải quyết các khúc mắc liên quan đến việc Anh rời khối và mối quan hệ trong tương lai của Anh với liên minh. Cán cân quyền lực của giới lãnh đạo châu Âu sẽ thay đổi nếu Anh rời khỏi liên minh.
Đức sẽ mất một đối tác kinh tế quan trọng. Pháp sẽ mất một đồng minh then chốt trong việc ủng hộ các sứ mệnh quân sự của EU tại châu Phi và nhiều nơi khác. Châu Âu sẽ bị chia rẽ giữa một bên là đa số các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) với một bên là nhóm thiểu số gồm các quốc gia vẫn chưa gia nhập khu vực đồng tiền chung hoặc cương quyết lựa chọn đứng ngoài. Với EU, Brexit sẽ viết nên câu chuyện về một châu Âu “vỡ vụn” chứ không phải là một châu Âu hội nhập.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Brexit cũng có những “con át chủ bài” riêng, trong đó lòng tự tôn dân tộc của một "đế quốc Anh" hùng mạnh, mối liên kết vốn dĩ lỏng lẻo giữa Anh và EU cùng những hạn chế ngày càng lộ rõ của "ngôi nhà chung" 28 nước thành viên trong một thế giới đang biến đổi không ngừng, đang được tận dụng triệt để.
Thực tế cho thấy một EU với cơ cấu cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo và đang tỏ ra "bất lực" trong việc giải quyết hàng loạt thách thức hiện tại có vẻ chưa thể là một "bến đỗ bình yên" có sức hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại. Không phải ngẫu nhiên mà hiện tâm lý muốn từ bỏ EU đang gia tăng ở nhiều nước thành viên EU khác ngoài Anh.
Ngay cả ở nước "đầu tàu" EU như Đức, cũng có tới 1/3 người dân muốn nước này rời khỏi EU. Những người ủng hộ Anh ở lại EU cũng phải thừa nhận rằng Anh chỉ có thể "hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU đã được cải cách." Tuy nhiên, EU cải cách ra sao và bao giờ mới được cải cách thì vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Một nước Anh tự do và tự chủ hơn, không bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc trong EU, không phải chịu hậu quả từ những bất ổn và bê bối xảy ra ở các nước thành viên khác, có quyền quyết định mọi vấn đề mà không cần sự đồng ý của 27 nước khác... là viễn cảnh được không ít người dân Anh hy vọng khi nước này rời khỏi EU.
Hơn thế nữa, Anh vẫn có vị thế là nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu.
Mặc dù phải đối mặt với rủi ro mất đi sức mạnh quốc tế khi rời khỏi một liên minh thương mại vững mạnh, song không thể phủ nhận một điều, Anh sẽ tự chủ hơn trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước ngoài EU chứ không phải chịu những luật lệ và quy định phức tạp của khối. Anh sẽ cũng được xem là một nơi trú ẩn an toàn để tránh xa những rủi ro về tài chính tại châu Âu, sẽ là nơi thu hút giới đầu tư và đẩy giá trị đồng bảng Anh tăng mạnh.
Chủ nghĩa khủng bố quốc tế hiện đang có những tác động không nhỏ đến tư tưởng và sự quyết định của người dân Anh đối với vấn đề Brexit, nhất là trong bối cảnh nguy cơ khủng bố tại châu Âu một phần xuất phát từ cuộc khủng hoảng người di cư trầm trọng mà "lục địa già" vẫn đang loay hoay tìm cách tháo gỡ.
Phần lớn người dân Anh cho rằng nếu ra khỏi EU, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu đối với Anh sẽ không đáng lo ngại, thậm chí sẽ không bị ảnh hưởng nhiều ngay cả khi EU kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, bởi khi đó Anh sẽ không phải "chia sẻ" gánh nặng người di cư và tị nạn của EU.
Liệu Anh và EU sẽ tiếp tục bên nhau trong "cuộc hôn nhân" được coi là gượng ép hay "tan đàn xẻ nghé?" Điều đó phụ thuộc vào quyết định của người dân Anh vào ngày 23/6 tới. Dù kịch bản nào xảy ra thì tình hình hiện nay ở cả Anh và EU đều cho thấy hai bên cần phải cùng điều chỉnh nếu muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ "đôi bên cùng có lợi"./.