Vấn đề Brexit: Thủ tướng Anh Johnson khẳng định không từ chức

Bất chấp mọi diễn biến bất lợi với sách lược Brexit trong thời gian qua, Thủ tướng Anh Johnson kêu gọi đảng Bảo thủ bước tiếp bằng cách thúc đẩy Brexit diễn ra đúng kế hoạch vào ngày 31/10 tới.
Trong ảnh: Thủ tướng Anh Boris Johnson trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BBC tại Salford, gần Manchester ngày 29/9/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong ảnh: Thủ tướng Anh Boris Johnson trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BBC tại Salford, gần Manchester ngày 29/9/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 29/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định sẽ không từ chức để tránh phải tuyên bố trì hoãn ngày Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra vào cuối tháng 10 tới.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình BBC trước khi bắt đầu hội nghị của đảng Bảo thủ cầm quyền tại Manchester, khi được hỏi về khả năng từ chức để không phải trì hoãn Brexit, ông Johnson khẳng định đã tiếp nhận vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và đất nước vào thời điểm khó khăn nhưng sẽ tiếp tục thực hiện công việc này với niềm tin rằng đó là trách nhiệm của mình.

Bất chấp mọi diễn biến bất lợi với sách lược Brexit trong thời gian qua, ông Johnson kêu gọi đảng Bảo thủ bước tiếp bằng cách thúc đẩy Brexit diễn ra đúng kế hoạch vào ngày 31/10 tới. Quan điểm này tuy không được Hạ viện Anh ủng hộ nhưng lại được phần lớn các thành viên đảng cầm quyền ủng hộ Brexit hoan nghênh.

Trong tuần này Chính phủ Anh dự kiến sẽ đưa ra các đề xuất thay thế cho điều khoản "chốt chặn" trong thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đã ký kết hồi cuối năm 2018 nhưng không được Quốc hội nước này thông qua.

[Vấn đề Brexit: Chính phủ Anh khẳng định sẽ tuân thủ luật về Brexit]

Điều khoản này yêu cầu Anh tiếp tục tuân thủ các quy định thuế quan của EU cho tới khi hai bên đạt một thỏa thuận thương mại nhằm tránh việc thiết lập đường biên giới cứng giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.

Thủ tướng Johnson yêu cầu loại bỏ điều khoản kể trên để thỏa thuận hiện tại nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Anh trong khi phía EU tuyên bố sẽ chỉ xem xét yêu cầu này khi nhận thấy phía Anh đưa ra phương án thay thế hiệu quả.

Ông Johnson dù vẫn hy vọng có thể đảm bảo một "thỏa thuận tốt" nhưng thừa nhận mục tiêu này không dễ đạt được. Theo Thủ tướng Anh, quan điểm rõ ràng nhất trên toàn châu Âu lúc này là đã đến lúc Brexit diễn ra bởi các quốc gia EU cũng không muốn vấn đề kéo dài hay để một thành viên "nổi loạn" ở lại trong khối.

Bắt đầu lên cầm quyền tại Anh từ tháng Bảy vừa qua sau khi cựu Thủ tướng Anh Theresa May buộc phải từ chức để tìm lối thoát cho vấn đề Brexit gây chia rẽ sâu sắc chính trường nước này, ông Johnson luôn kêu gọi thực hiện Brexit đúng thời hạn dù có hay không có thỏa thuận.

Tuy nhiên, việc Quốc hội nước này thông qua luật yêu cầu chính phủ xin gia hạn Brexit nếu không đạt thỏa thuận với EU đang là thách thức rất lớn với mục tiêu của vị lãnh đạo luôn ủng hộ Anh rời EU.

Liên tiếp gặp thất bại trong các bước đi nhằm thúc đẩy Brexit, Thủ tướng Johnson được cho là đang ở trong tình thế khó khăn, trong đó có nguy cơ phải từ chức hoặc bị bãi nhiệm nếu quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ do ông thành lập.

Trả lời BBC về khả năng Công đảng đối lập tại Anh kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ, người phát ngôn về các chính sách giáo dục của đảng, bà Angela Rayner, cho biết Công đảng muốn đảm bảo kịch bản Brexit không thỏa thuận được loại bỏ hoàn toàn trước khi hành động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.