Vấn đề di cư: Đan Mạch-Bỉ gia hạn hoạt động kiểm soát biên giới

Theo Bộ trưởng Nhập cư-Hội nhập-Nhà ở Đan Mạch ngày 3/3, nước này quyết định gia hạn hoạt động kiểm soát tạm thời tại biên giới chung với Đức thêm 30 ngày, tức là tới 3/4 tới.
Vấn đề di cư: Đan Mạch-Bỉ gia hạn hoạt động kiểm soát biên giới ảnh 1Người di cư đợi để vào trại tị nạn sau khi vượt qua biên giới Macedonia tới Serbia ngày 23/1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Nhập cư, Hội nhập và Nhà ở Đan Mạch Inger Stojberg ngày 3/3 thông báo nước này đã quyết định gia hạn hoạt động kiểm soát tạm thời tại biên giới chung với Đức thêm 30 ngày, tức là tới ngày 3/4 tới.

Trong bức thư gửi Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề nhập cư Dimitris Avramopoulos, Bộ trưởng Stojberg cho biết Chính phủ Đan Mạch cho rằng việc kiểm soát biên giới của nước này không vượt quá điều được cho là cần thiết trong tình hình hiện nay.

Ban đầu, Đan Mạch có kế hoạch áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời trong 10 ngày, bắt đầu từ 4/1 vừa qua sau khi Thụy Điển cũng có hành động tương tự nhằm đối phó với dòng người di cư từ Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy nguy cơ số lượng lớn người di cư trái phép vẫn sẽ tiếp tục đổ về, Đan Mạch đã nhiều lần gia hạn việc kiểm soát biên giới.

Ngoài Đan Mạch, một quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) là Bỉ cũng đã gia hạn hoạt động kiểm soát tạm thời tại biên giới với Pháp thêm 10 ngày. Theo truyền thông Bỉ, nước này đưa ra quyết định trên do lo ngại người di cư tại các khu lán trại trái phép ở thành phố cảng Calais mà Pháp đang tháo dỡ sẽ chạy sang Bỉ.

Khoảng 4.000-6.000 người di cư bất hợp pháp đang tá túc tại khu lán trại tạm ở Calais.

Báo chí Bỉ nêu rõ hoạt động kiểm soát biên giới cũng được tăng cường ở các cảng Zeebrugge, Antwerp và Ostend. Hoạt động kiểm soát tạm thời tại biên giới với Pháp được Bỉ áp dụng từ ngày 24/2 vừa qua.

Đến nay có gần 10 nước trong Khu vực tự do đi lại Schengen buộc phải tái kiểm soát biên giới để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai vừa qua tại châu Âu.

Theo một số nguồn tin, EU có ý định sẽ khôi phục hoàn toàn các quy định của Khu vực Schengen vào tháng 11 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.