Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phối hợp với Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai và Công ty cổ phần tư vấn và phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước vừa lắp đặt trạm đo mưa tự động tại huyện đảo Trường Sa.
Đây là thiết bị công nghệ hoàn toàn do Việt Nam sản xuất.
Theo Quan trắc viên Nguyễn Văn Linh, Trưởng trạm Khí tượng Hải văn đảo Trường Sa, trong điều kiện khó khăn của vùng biển đảo, thời tiết không thuận lợi nên việc đón chuyên gia kỹ thuật để lắp đặt, hướng dẫn chuyển giao hệ thống này rất khó thực hiện. Do vậy, những quan trắc viên trong trạm đã tự học hỏi, trao đổi qua mạng Internet với chuyên gia, đồng thời tập trung nghiên cứu, lắp đặt thử nghiệm kết nối trạm đo mưa tự động tại huyện đảo Trường Sa về Đài Khu vực Nam Trung Bộ đã thành công.
Hệ thống trạm đo mưa tự động thế hệ mới với bộ thu thập và xử lý số liệu hoàn toàn do Công ty cổ phần tư vấn và phát triển kỹ thuật Tài nguyên nước phát triển, sản xuất và đã được trao tặng giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFORTEC) năm 2019.
Thông tin từ hệ thống trạm đo mưa mới này sẽ giúp cho ngành khí tượng thủy văn có thêm số liệu tham khảo hiện thời và lưu trữ trong mạng thông tin chuyên ngành của ngành khí tượng thủy văn phục vụ để làm số liệu đầu vào, giúp cho các dự báo viên có thêm thông tin, số liệu hiện thời và quá khứ phục vụ cho việc phân tích, chạy mô hình, đưa ra bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai.
[Nâng cao năng lực cảnh báo và dự báo thiên tai kịp thời, hiệu quả]
Hiện nay, mạng lưới trạm đo mưa do ngành khí tượng thủy văn quản lý có 861 trạm được tự động hoàn toàn. Hệ thống này cơ bản phục vụ kịp thời công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai.
Tại khu vực đồng bằng, số lượng trạm đo mưa tự động đã được lắp đặt với mật độ khá dày. Khu vực vùng núi, vùng thượng lưu các sông, suối mật độ trạm đo mưa tự động còn thưa là do khó khăn về điều kiện thi công...
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết việc xây dựng, lắp đặt các trạm đo mưa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như, vị trí lắp đặt, kỹ thuật, thiết bị thay thế... Hơn nữa, việc đảm bảo duy trì hoạt động liên tục của các trạm, đặc biệt là các trạm ở vùng núi, hải đảo là một thách thức không nhỏ.
Nâng cao chất lượng công tác dự báo, trong năm 2022, Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ đầu tư nâng số lượng trạm đo mưa tự động lên 1.000 trạm; chú trọng công tác thuê dịch vụ đo mưa theo hình thức xã hội hóa cao. Những năm tiếp theo dự kiến có hơn 4.000 trạm đo mưa độc lập với mật độ trung bình khoảng 9km2/trạm và được phân bố phù hợp, ưu tiên cho các vùng còn trống số liệu, thường xuyên xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và thiên tai nguy hiểm…
Bên cạnh đó, ngành khí tượng thủy văn cũng sẽ quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm bảo đảm cho hệ thống hoạt động ổn định lâu dài, đáp ứng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội./.