Vào AEC, Việt Nam có nguy cơ thành "vùng trũng' của khu vực ASEAN

Làm việc về công tác hội nhập kinh tế quốc tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra nguy cơ Việt Nam có thể trở thành "vùng trũng" tiêu thụ hàng hóa của cộng đồng kinh tế chung ASEAN - AEC.
Vào AEC, Việt Nam có nguy cơ thành "vùng trũng' của khu vực ASEAN ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Công Thương về công tác hội nhập kinh tế. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dẫn số liệu 7 tháng về kim ngạch thương mại hai chiều, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra nguy cơ Việt Nam có thể trở thành "vùng trũng" tiêu thụ hàng hóa của cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC).

Tại hiên họp "Đánh giá công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua, định hướng triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới," do Bộ Công Thương tổ chức chiều 26/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Ban chỉ đạo hội nhập cần đánh giá nghiêm túc những cơ hội và thách thức khi tham gia các cam kết quốc tế.

Theo Phó Thủ tướng, sau 7 tháng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam với ASEAN đạt 22,8 tỷ USD, giảm 3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó Việt Nam nhập siêu hơn 3 tỷ USD từ khối này.

"Mặc dù ASEAN là một trong 11 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên với kim ngạch thương mại như thời gian qua, các bộ, ngành cần đánh giá sự chủ động hội nhập, nhất là những bất cập, yếu kém, tồn tại để từ đó định hướng hoạt động cho thời gian tới," Phó Thủ tướng lưu ý.

Đồng tình với những thách thức mà Phó Thủ tướng nêu ra, tại cuộc họp lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra nhiều áp lực đối với lao động của Việt Nam.

Theo bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, khi vào AEC dự kiến lao động trong 8 ngành nghề sẽ ​được dịch chuyển tự do. Tuy nhiên, ​với sự chuẩn bị như hiện nay, khả năng lao động của Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh.

"Trong khi nhiều nước có sự chuẩn bị rất tốt về lao động, từ kỹ năng ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp đến kỷ luật lao động thì lao động của Việt Nam vẫn còn chưa được đào tạo kỹ lưỡng," bà Lan nói.

Ngày 31/12/2015, cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức thành lập, AEC được đánh giá là khu vực phát triển sôi động trên thế giới với hơn 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014.

Tính riêng năm 2015, Việt Nam ước tính nhập siêu từ khu vực này khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2014, trong đó Thái Lan đứng đầu trong các đối tác cung cấp hàng hoá cho Việt Nam.

Để tận dụng tốt những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Việt Nam đang chuyển hướng mạnh sang các thị trường lớn có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau nhằm tạo điều kiện cho kinh tế phát triển và thu hút đầu tư.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết FTA với hầu hết các khu vực kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có những hiệp định mang tầm quan trọng rất lớn như: hiệp định FTA Việt Nam-EU và TPP.

"Việt Nam sẵn sàng giảm thuế về 0% và chỉ đảm bảo tính công bằng, nếu bán phá giá hoặc đưa hàng giá rẻ vào Việt Nam thì Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá để đảm bảo thị trường nội địa," thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.