VASEP: 'Cánh cửa' sang thị trường Mỹ vẫn mở với cá tra Việt Nam

Việc áp thuế chống bán phá giá cao của Bộ Thương mại Hoa kỳ (DOC) với sản phẩm cá tra philê đông lạnh của Việt Nam đang tác động bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Việc áp thuế chống bán phá giá cao của Bộ Thương mại Hoa kỳ (DOC) với sản phẩm cá tra philê đông lạnh của Việt Nam đang tác động bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe xung quanh các giải pháp tháo gỡ các khó khăn này.

- Xin ông cho biết về những nội dung cụ thể của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 của DOC về thuế chống bán phá giá với cá tra-basa philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam? Đâu là những điểm mới so với các kỳ xem xét trước đây của DOC?

Ông Trương Đình Hòe: Đây là lần thứ 13 các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sự xem xét lại về mức thuế đối với các lô hàng đã xuất khẩu từ tháng 8/2015 đến tháng 7/2016 để xác định mức thuế chính thức cho các lô hàng này.

Điểm mới trong lần xem xét lần này chính là đây là lần đầu tiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-cá basa sang Mỹ phải khai báo các yếu tố về sản xuất theo tiêu chuẩn mới để DOC xem xét. Trong lần lựa chọn này, bị đơn bắt buộc chỉ có 1 công ty là Godaco (Công ty Gò Đàng) thay vì 2 công ty giống như các lần xem xét trước đây.

Vì vậy thuế suất của Godaco sẽ được coi là mức thuế suất bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp còn lại trong đợt xem xét hành chính.

- Theo ông đâu là những điểm bất hợp lý trong phán quyết cuối cùng lần thứ 13 này của DOC?

Ông Trương Đình Hòe: Đầu tiên, mức thuế dành cho các bị đơn được hưởng mức thuế suất riêng rẽ lại cao hơn rất nhiều so với mức thuế toàn quốc trong khi thông thường thì mức thuế toàn quốc là mức thuế cao nhất cho một đợt xem xét hành chính.

Cụ thể, với mức thuế áp là 3,87 USD/kg so với mức thuế áp toàn quốc là 2,39 USD/kg thi đây chính là sự bất hợp lý có thể thấy rõ.

Thứ hai, việc áp thuế lần này dựa trên các bất lợi có sẵn cao nhất với Godaco xuất phát từ việc DOC đã không xem xét hết hồ sơ của Godaco mà lại sử dụng án lệ bằng không trước đây để xem xét các bất lợi có sẵn cao hơn so với mức thuế toàn quốc.

Trong khi đó, đáng lẽ DOC phải xem xét đây là lần đầu tiên Godaco phải khai báo các yếu tố về sản xuất theo tiêu chuẩn mới. Như vậy DOC đã không xem xét việc áp thuế một cách đẩy đủ cũng như xem xét các yếu tố về quy định khai báo trong quy trình.

Điểm không công bằng thứ ba nữa chính là thông thường mức thuế được tính từ các yếu tố bất lợi có sẵn không được tính vào trong mức thuế bình quân áp cho các công ty không được xem xét hồ sơ hay nói cách khác là các công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ. Đây là việc áp thuế phi lý và không có trong các vụ xem xét thuế bán chống phá giá trước đây.

- Từ kinh nghiệm xử lý các vụ kiện chống bán phá giá trước đây thì VASEP có những triển khai cụ thể gì với phán quyết lần thứ 13 này của DOC thưa ông?

Ông Trương Đình Hòe: Vấn đề là theo thủ tục thôi. Nếu phán quyết của DOC không hoàn toàn hợp lý thì doanh nghiệp Việt Nam có thể khiếu kiện lên Toà án Thương mại Hoa Kỳ. Từ đó, Toà án này sẽ xem xét lại cách tính thuế, phương pháp tính thuế, số liệu tính toán của DOC; trên cơ sở đó sẽ yêu cầu DOC có sự điều chỉnh phù hợp.

Việt Nam cũng đã có nhiều lần khiếu nại kiểu như vậy và cuối cùng thì DOC cũng đã có sự điều chỉnh mức thuế suất thấp hơn.

Vì vậy, VASEP cũng hy vọng việc khiếu nại lần này của doanh nghiệp Việt nam cũng sẽ có kết quả như các lần trước đây và DOC sẽ phải tính toán lại mức thuế công bằng và hợp lý hơn với các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện Godaco đã khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Hoa Kỳ yêu cầu xem xét lại cách tính thuế của DOC với trường hợp của Công ty này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn lại cũng đã mở vụ kiện tại Toà án Thương mại Hoa Kỳ yêu cầu xem xét lại việc áp thuế suất riêng rẽ 3,87 USD/kg đang bị cao hơn mức thuế suất toàn quốc; từ đó buộc DOC phải có sự điều chỉnh công bằng và phù hợp.

[Thủy sản Việt Nam phát triển trên ba trụ cột để vượt qua khó khăn]

- Từ kinh nghiệm của các lần xử lý với thuế chống bán phá giá của Mỹ trước đây, ông có thể cho biết những kịch bản có thể xảy ra nếu thực hiện khiếu kiện lên Toà án Thương mại Hoa Kỳ?

Ông Trương Đình Hòe: Việc khiếu kiện này có thể kéo dài từ 1,5-2 năm. Và chúng ta có thể tin tưởng rằng việc không xem xét đầy đủ hồ sơ của Godaco trong việc áp thuế thì sẽ phải được xem xét lại; nhờ vậy Godaco có thể sẽ bị áp mức thuế thấp hơn, dẫn tới việc các doanh nghiệp còn lại cũng sẽ chịu mức thuế thấp hơn.

Bên cạnh đó, phương pháp tính thuế dựa trên các yếu tố bất lợi có sẵn từ hồ sơ của Godaco cũng sẽ được xem xét lại.

Việc này nhiều khả năng sẽ có kết quả tốt và mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp sẽ được tính toán thấp hơn hiện nay. Như vậy, “cánh cửa” vào thị trường Mỹ vẫn mở với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

- Theo ông đâu là giải pháp căn cơ với ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra-basa Việt Nam để mặt hàng này giữ vững thị phần xuất khẩu trên thế giới trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại?

Ông Trương Đình Hòe: Trong hội nhập kinh té thế giới, muốn xuất khẩu được thuỷ sản qua thị trường các nước, doanh nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo tôi, nhiều năm nay thì các doanh nghiệp đã tập trung hoàn thiện chuỗi sản xuất thuỷ sản, từ khâu sản xuất giống đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.

Trong nhiều năm qua, rất nhiều doanh nghiệp cũng đã đạt được các chứng nhận quốc tế, đủ diều kiện để xuất khẩu cá tra-cá basa sang các thị trường “khó tính” như Mỹ, EU…

Vì vậy, để giữ vững thị phần xuất khẩu thì yêu cầu quan trọng số 1 vẫn là chất lượng. Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm cũng là yếu tố cần quan tâm thứ 2. Hiện nhiều doanh nghiệp đã có sự cải tiến công nghệ trong chuỗi giá trị. Vì vậy mà giá thành sản xuất cá tra-basa cần được tiếp tục tối ưu hoá để có thẻ cạnh tranh với các sản phẩm thuỷ sản khác như cá thịt trắng, cá rô phi hay cá nheo của Mỹ.

- Ông có dự báo gì về kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2018, trong đó có kim ngạch xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam nếu phán quyết lần thứ 13 này của DOC được thực thi?

Ông Trương Đình Hòe: Trong quý I năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra-basa đạt hơn 400 triệu USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là tín hiệu mừng trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với việc áp thuế bán chống phá giá cao từ Mỹ.

Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, thị trường thay thế khi có các dấu hiệu bất lợi từ thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, VASEP cũng đang nhận thấy những dấu hiệu phục hồi tốt của thị trường EU, Nam Mỹ, sự tăng trưởng tốt ở thị trường Trung Quốc với nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm có giá trị cao. Điều này cho thấy con cá tra Việt Nam vẫn có sức hút trên thị trường thế giới.

Vấn đề còn lại chính là phải cân đối được cung cầu theo nhu cầu thị trường thì chắc chắn xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2018 sẽ hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu cá tra từ 1,8 tỷ USD trở lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục