Ngày 13/1, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức lễ tổng kết tại Hà Nội, công bố kết quả hoạt động trong năm 2020.
Theo đó, trung tâm này đã thu được 150 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc trên các nền tảng số và các địa điểm khách sạn, resort, nhà hàng…
Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC cho biết đạt được kết quả như vậy, trung tâm đã số hóa toàn bộ dữ liệu bằng các phần mềm tốt nhất; phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế; đàm phán thành công với các nền tảng như Spotify, YouTube, TikTok để kiểm soát dữ liệu.
“Hàng ngày các dữ liệu âm nhạc phát ở đâu, bài gì, trong thời lượng bao lâu đều được lưu lại. Từ đó, chúng tôi có cơ sở để thực hiện thu phí bản quyền,” nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn cho biết.
Nhận xét về hoạt động của trung tâm, nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung (tác giả bài hát “Nhật ký của mẹ”) chia sẻ kỷ niệm khi mới bắt đầu sự nghiệp âm nhạc: “VCPMC đã giúp tôi có được số tiền đầu tiên từ bài hát của mình. Số tiền nhỏ nhưng đã nhen nhóm trong tôi niềm tin rằng tôi có thể sống được với đam mê của mình và có thể hoạt động chuyên nghiệp trong âm nhạc.”
“Tôi được biết rằng khi nhạc sỹ mất đi, trung tâm vẫn tiến hành thu tiền bản quyền trong 50 năm sau đó, số tiền sẽ được để lại cho gia đình nhạc sỹ. Tôi hoàn toàn yên tâm khi có trung tâm hỗ trợ để mình yên tâm sáng tác vì mỗi bài hát là tài sản và chất xám của mình,” nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung cho biết.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bày tỏ sự ấn tượng với những gì mà trung tâm đã đạt được trong năm qua.
“Năm 2020, tất cả chúng ta đều trải qua khó khăn do đại dịch, không ai đứng ngoài sự xáo trộn đó. Tuy nhiên với sự nhanh nhạy thích ứng kịp thời, ứng dụng công nghệ khoa học, trung tâm đã đạt được những thành quả nhất định. Qua những con số biết nói như số lượng hơn 4.000 hội viên, 150 tỷ đồng tiền tác quyền, trung tâm là cánh chim đầu đàn trong công tác bảo vệ quyền tác giả suốt 19 năm qua, chứng tỏ nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ trung tâm và sự hợp tác của các đơn vị liên quan,” bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết.
Năm 2020, VCPMC tiếp tục mở rộng hợp tác song phương với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả trên thế giới. Cho tới thời điểm này, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 81 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs), số lượng hợp đồng ký kết tăng khoảng 10% so với năm 2019.
Mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng nguồn thu từ nước ngoài của VCPMC vẫn tăng trưởng mạnh, đến thời điểm này tăng 82% so với năm ngoái từ gần 2 tỷ đồng lên tới hơn 3,6 tỷ đồng do tốc độ tăng trưởng lĩnh vực kỹ thuật số từ các tổ chức nước ngoài.
Tới nay, tổng số thành viên viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC là 4.540 tác giả (năm 2020 là 276 tác giả)./.