Vẻ đẹp nên thơ của thành phố Hàng Châu níu chân du khách

Thành phố Hàng Châu tựa như một bức tranh sống động khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi đây, vừa có những nét quyến rũ trầm mặc, nhưng cũng không thiếu điểm rất riêng đầy hấp dẫn.
Một góc Tây Hồ nhìn từ tháp Lôi Phong. (Ảnh: Mỹ Anh/Vietnam+)

Đáp chuyến bay tới Hàng Châu vào buổi tối, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là sân bay khá rộng nhưng không nhiều máy bay lên xuống như các sân bay khác. Người xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh khá đông, nhưng đến lượt rất nhanh.

Từ sân bay quốc tế Hàng Châu đến trung tâm thành phố khoảng 35km. Ngồi trên taxi, lướt qua những con đường ngoại ô, chúng tôi ai cũng có được cảm nhận cả một thành phố yên bình đang ở phía trước. Lái xe là người bản địa thân thiện, cởi mở. Biết chúng tôi là người nước ngoài, anh hào hứng cho chúng tôi biết những nét cơ bản nhất về thành phố Hàng Châu đầy thơ mộng.

Khi chúng tôi tới trung tâm thành phố, dù chưa đến 21 giờ, nhưng các đường phố đã vắng bóng người. Là một thành phố thơ mộng nổi tiếng Trung Quốc từ khoảng 1.000 năm trở lại đây, Hàng Châu được biết đến nhiều với phong cảnh thiên nhiên đẹp, ngập tràn ý thơ, trong đó không thể không nói đến Tây Hồ yên bình.

Thành phố Hàng Châu tựa như một bức tranh sống động khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi đây, vừa có những nét quyến rũ trầm mặc, nhưng cũng không thiếu những điểm rất riêng đầy hấp dẫn.

Phố mua sắm tơ lụa Hàng Châu. (Ảnh: Mỹ Anh/Vietnam+)

Hàng Châu có lụa tơ tằm và trà xanh nổi tiếng, cũng là nơi có nghề dâu tơ tằm phát triển nhất Trung Quốc và là một trong những điểm đầu của “Con đường Tơ lụa” cổ xưa.

Người ta vẫn thường cho rằng vẻ đẹp của Hàng Châu hội tụ ở Tây Hồ. Với tổng diện tích hơn 6km2, Tây Hồ là hồ nước ngọt được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2011.

Người xưa kể lại, Tây Hồ là nơi duy nhất của khu vực Hàng Châu không hứng chịu bom rơi đạn pháo khi phátxít Nhật xâm chiếm Trung Quốc. Chuyện kể rằng, khi đó viên sỹ quan chỉ huy lực lượng quân Nhật tại Hàng Châu đem lòng yêu một cô gái bản địa, cô gái rất yêu vẻ đẹp nên thơ của Tây Hồ, nên mỗi lần quân Nhật oanh tạc hay nã pháo phá hủy Hàng Châu, duy chỉ có Tây Hồ luôn được coi là “vùng cấm."

Vậy nên Tây Hồ vẫn giữ được nguyển vẹn cảnh quan như ngày đầu thiên nhiên đã tạo ra nó, cùng nhiều đền, chùa, miếu, am xung quanh mà người xưa đã xây dựng. Trong đó, Tháp Lôi Phong là một địa điểm rất nổi tiếng linh thiêng với truyền thuyết dân gian Bạch Xà.

Trà Long Tỉnh - đặc sản Hàng Châu. (Ảnh: Mỹ Anh/Vietnam+)

Được bao bọc bởi ngọn đồi xanh mướt ở ba phía, Tây Hồ được ngăn bởi ba con đê là đê Tô, đê Dương Công và đê Bạch và một phía là thành phố Hàng Châu. Phía Tây của Tây Hồ là hình ảnh đầy ấn tượng của bạt ngàn đồi chè xanh Long Tỉnh, đặc sản không chỉ của Hàng Châu mà còn nổi tiếng khắp Trung Quốc.

Không chỉ có Tây Hồ, Hàng Châu còn có Đầm lầy Tây Khê nằm ở phía Tây thành phố. Giống như Tây Hồ, Đầm lầy Tây Khê rất rộng lớn, cũng bao gồm nhiều công trình được xây dựng theo phong cách truyền thống, thời xa xưa nơi đây từng là cửa ngõ vào Trung Quốc.

[Lạc chốn thần tiên ở Trương Gia Giới và Phượng Hoàng Cổ Trấn]

Nếu như cảnh quan thiên nhiên, những công trình kiến trúc cổ tạo nên Hàng Châu thanh bình, tĩnh lặng, thì ở góc độ khác, sự phát triển kinh tế sôi động lại tạo nên một thành phố hiện đại với phong cách rất riêng. Những con đường luôn náo nhiệt bởi du khách tham quan mua sắm nhưng không lộn xộn, ồn ã. Sản phẩm bày bán chủ yếu là tơ lụa mang đậm tính truyền thống vùng đất này.

Cây xanh Hàng Châu. (Ảnh: Mỹ Anh/Vietnam+)

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Lê Ngọc Tam, một doanh nhân người Việt thành đạt, từng làm ăn sinh sống ở Hàng Châu khá lâu, để tìm hiểu thêm về con người và muốn biết lý do tại sao thành phố này lại có thể giữ được nhiều cây cổ thụ đến thế.

Anh Tam, người Thanh Chương, Nghệ An cho biết: “Người Hàng Châu rất thân thiện, nhiệt tình, mến khách. Là một thành phố du lịch, nhưng Hàng Châu không có hiện tượng bắt chẹt khách du lịch, giá cả rõ ràng. Hệ thống giao thông công cộng ở Hàng Châu khá phát triển. Có rất nhiều phương tiện để du khách lựa chọn khi tham quan, mua sắm. Đặc biệt, chính quyền thành phố luôn chú ý bảo vệ cây xanh. Mỗi khi có bão về, họ cắt tỉa bớt lá và cây được dùng thanh sắt chống 3 góc để bảo vệ”.

Hàng Châu với vẻ đẹp nên thơ, cảnh quan mang chút tĩnh lặng như muốn kéo người trở lại. Rời khỏi Hàng Châu, nhưng hình ảnh con người, cảnh vật nơi đây khiến chúng tôi ai cũng nhủ thầm hẹn ngày trở lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục