Làng Sen, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại đây hiện còn lưu giữ những khung cảnh, hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị. Đó là ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ, ngôi nhà do chính nhân dân làng Sen cùng nhau xây dựng, làm quà mừng nhân dịp cụ đỗ Phó Bảng khoa thi Hội năm 1901.
Trong căn nhà ba gian này còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như hai bộ phản gỗ, chiếc giường, rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, mâm bằng gỗ sơn đen… gắn bó với một thời thơ ấu của Bác, khiến bất cứ du khách nào đến thăm cũng có cảm giác gần gũi, thân thương và xúc động.
Ở “làng Trù quê mẹ,” Bác đã trải qua một tuổi thơ êm đềm trong sự giáo dục nghiêm cẩn của người cha (cụ Nguyễn Sinh Sắc) và tình yêu thương cũng như đức hy sinh cao cả của mẹ. Đó là cụ Hoàng Thị Loan, một người mẹ tảo tần, hiền hậu, mẫu mực và vĩ đại, đã hết lòng vì chồng vì con. Dù vất vả trăm bề vì cuộc mưu sinh, nhưng cụ vẫn toàn tâm lo chồng ăn học thành tài, chăm cho từng con nhỏ…
Dẫu được bao bọc trong tình yêu thương, nhưng thuở niên thiếu và thanh niên của mình, Bác Hồ cũng đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân. Vì thế, Người đã sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào…
Du khách có thể đến làng Sen vào bất cứ thời điểm nào trong năm, tuy nhiên thời gian thích hợp nhất đó là vào tháng 5. Thời gian này không chỉ là dịp kỉ niệm ngày sinh của Bác mà còn là dịp mà những đầm sen nở rộ, tỏa hương thơm ngát, mang lại một cảm giác dễ chịu xua tan đi cái oi bức, ngột ngạt của nắng gió khắc nghiệt miền Trung.
Ngày nay, khi tới với di tích làng Sen, du khách sẽ có gần 2 giờ đồng hồ được nghe các thuyết minh viên chia sẻ, giới thiệu về từng ngóc ngách, từng vật dụng gắn liền với thời thơ bé của vị cha già dân tộc.
Để rồi sau chuyến “về nguồn” thăm quê Bác, mỗi người lại có những cảm xúc, những trải nghiệm khó phai./.