Về tỉnh Nam Định thăm làng nghề của những 'kỳ hoa dị thảo'

Trải qua thăng trầm của lịch sử và những biến động trên thị trường, nghề trồng hoa cây cảnh ở Vỵ Khê vẫn được người dân xã Điền Xá, huyện Nam Trực, gìn giữ, phát triển, góp phần nâng cao thu nhập.
Về tỉnh Nam Định thăm làng nghề của những 'kỳ hoa dị thảo' ảnh 1(Nguồn: Hội sinh vật cảnh Việt Nam)

Làng cây cảnh Vỵ Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là làng nghề nổi tiếng cả nước với trên 800 năm tuổi, nơi ra đời của những “kỳ hoa dị thảo.”

Trải qua thăng trầm của lịch sử và những biến động trên thị trường, nghề  trồng hoa cây cảnh vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, phát triển, góp phần nâng cao thu nhập.

Cách thành phố Nam Định gần 10km, nằm ở ven sông Hồng, có lợi thế đất đai màu mỡ, làng Vỵ Khê nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh lâu đời.

Dọc con đường vào xã, từng ngõ xóm, trong vườn mỗi gia đình đều xanh mướt màu cây, điểm xuyết thêm những chùm lan, cành hồng căng mình khoe sắc tạo nên bức tranh làng quê trù phú, yên bình, đáng sống.

[Nhà vườn ở Hưng Yên ‘trình làng’ quýt lộc bình khổng lồ chơi Tết]

Các cụ cao niên ở làng Vỵ Khê cho biết chiếu theo ngọc phả của làng, năm 1211, quan Thái úy Tô Trung Tự đời nhà Lý được phân cai quản chấn Sơn Nam hạ (nay là các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam). Ông đã chọn Gia trang ấp (nay là làng Vỵ Khê), để lập hành cung đi lại và xây một tòa thành phòng thủ.

Trong thời gian sống và làm việc tại đây, ông đã dạy nhân dân địa phương nghề trồng hoa và cây cảnh phục vụ nhu cầu thưởng hoa của vua quan đồng thời làm kế sinh nhai lâu dài.

Từ đây, nghề trồng hoa, cây cảnh được người dân trong thôn, làng truyền cho nhau từ nhà này sang nhà khác, đời này sang đời khác.

Trải qua quá trình thăng trầm của lịch sử, làng cây cảnh Vỵ Khê đã tìm được hướng đi bền vững đó là phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Những thế mạnh của làng nghề này tiếp tục được phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Vân ở thôn Vỵ Khê cho hay một trong những nét độc đáo của làng cây cảnh Vỵ Khê đó là kỹ thuật uốn, tạo thế cây. Mỗi tác phẩm cây do người Vỵ Khê tạo nên đều mang đầy đủ nét đẹp từ hình dáng đến ẩn ý về đạo làm người, ước muốn, khát vọng của người tạo cây, người chơi cây.

Một tác phẩm cây cảnh có giá trị thường mất rất nhiều thời gian, có những cây cần 10 năm chăm sóc, uốn, tỉa, không ít cây đi theo cả một đời người nghệ nhân.

Do đó, ngoài sự sáng tạo, kỹ thuật uốn tỉa khéo léo, người uốn cây phải có đức tính điềm đạm, sự tỉ mỉ, kiên nhẫn.

Người Vỵ Khê trồng đa dạng các loại cây theo 2 lĩnh vực chính cây lâu niên và cây thường niên. Cây lâu niên là những cây thế có giá trị cao. Loại cây này có thời gian chăm sóc dài, từ 10 năm trở lên, giá trị mang lại từ hàng chục đến hàng tỷ đồng.

Cây thường niên là các loại cây trang trí, cây công trình, cỏ Nhật. Ước tính trung bình mỗi gia đình thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng từ cây thường niên.

Ngoài ra, cỏ Nhật cũng được trồng nhiều ở địa phương này trong thời gian gần đây mang lại thu nhập khá cao. Mỗi sào Bắc Bộ (360m2), người dân thu về khoảng 20 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Thế Lực, Trưởng thôn Vỵ Khê, thông tin thôn hiện có 670 hộ dân, 100% hộ đều làm nghề trồng hoa cây cảnh. Thôn có 50ha đất canh tác, trong đó 60% đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh. Số hộ có thu nhập khá trở lên đạt trên 70%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/người/năm.

Nghề trồng hoa, cây cảnh giờ đây không chỉ phát triển mạnh ở thôn Vỵ Khê mà đã lan sang các thôn: Lã Điền, Trừng Nguyên, Phú Hào, các thôn Thượng, Trung, Hạ của xã Điền Xá, trở thành nghề mũi nhọn.

Xã Điền Xá có gần 600ha đất nông nghiệp; trên 98% hộ dân (tổng số trên 3.800 hộ) trồng hoa, cây cảnh.

Ngoài cây cảnh, cây thế với giá trị kinh tế cao, người dân nơi đây không ngừng mở rộng, đầu tư phát triển các loại cây bonsai, cây công trình, hoa các loại đáp ứng mọi nhu cầu ngày của khách hàng.

Xã đã hình thành các vùng chuyên canh rõ rệt như khu vực chuyên về hàng cây công trình, cây bóng mát, cây cảnh ngắn ngày…

Diện tích trồng cỏ Nhật và cây công trình khoảng 40ha mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Bình quân mỗi ha trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập 170 triệu đồng/năm.

Về tỉnh Nam Định thăm làng nghề của những 'kỳ hoa dị thảo' ảnh 2(Nguồn: Du lịch Nam Định)

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Điền Xá Đoàn Hữu Khánh, xã chủ trương phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái.

Xã xác định lấy thôn Vỵ Khê làm trung tâm tổ chức sản xuất làng nghề kiểu mẫu; xây dựng kế hoạch trồng cây trang trí, hình thành các “điểm nhấn” quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề phục vụ đón khách thăm quan mô hình làng nghề nông thôn mới, đặt nền móng cho tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch sinh thái.

Để nâng cao giá trị kinh tế cho nghề trồng hoa, cây cảnh, xã khuyến khích người dân áp dụng khoa học công nghệ, đưa những giống cây mới vào sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Xã đang nghiên cứu, xây dựng có cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các loại hình kinh tế tập thể tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.