Theo Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), vệ tinh Tsubame của nước này đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness là vệ tinh quan sát Trái Đất ở quỹ đạo siêu thấp.
Trong sứ mệnh thử nghiệm từ ngày 23/12/2017 đến ngày 1/10/2019, vệ tinh Tsubame đã hoạt động trên quỹ đạo cách Trái Đất 167,4km từ ngày 23-30/9.
Trong khi đó, phần lớn các vệ tinh quan sát Trái Đất hoạt động trên quỹ đạo cách Trái Đất từ 600-800km.
Vệ tinh Tsubame đã duy trì được độ cao thấp kỷ lục này trong 7 ngày nhờ sử dụng hệ thống động cơ ion do JAXA chế tạo và động cơ phản lực chạy bằng khí đốt.
[Trung Quốc phóng vệ tinh có khả năng chụp hình ảnh 3D của Trái Đất]
Do loại vệ tinh này cần một lực đẩy lớn hơn so với vệ tinh thông thường, nên JAXA đã bổ sung thêm động cơ ion, có lực đẩy hiệu quả gấp 10 lần so với lực đẩy chạy bằng khí đốt nhằm chống lại lực cản của khí quyển.
Tsubame đã chụp thành công các bức ảnh có độ phân giải cao và thu thập được dữ liệu về độ đậm đặc của khí quyển và oxy nguyên tử.
Hoạt động ở quỹ đạo siêu thấp, vệ tinh có thể quan sát chi tiết hơn các hoạt động trên bề mặt Trái Đất. Tuy nhiên, nếu hoạt động trên quỹ đạo cách Trái Đất dưới 300km, lực cản không khí sẽ gia tăng và làm thiết bị chóng hao mòn hơn.
Vệ tinh Tsubame được phóng lên quỹ đạo vào năm 2017. Tháng 4/2018 vệ tinh này đã đạt quỹ đạo cách Trái Đất 371km sau đó xuống thấp dần tới độ cao 167,4km và giữ ở độ cao này trong 7 ngày trước khi tự bốc cháy trong bầu khí quyển vào ngày 1/12, kết thúc thời hạn vận hành./.