Vén bức màn bí mật về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc

Tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, lẽ ra Trung Quốc nên làm việc theo hướng giải trừ vũ khí hạt nhân, song thực tế lại tiếp tục mở rộng và hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của mình.
Vén bức màn bí mật về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ảnh 1Nhiều chuyên gia tin rằng Trung Quốc đang sở hữu ít nhất 300 đầu đạn hạt nhân. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Theo mạng tin heritage.org, tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành cường quốc thế giới không phải là điều gì bí mật.

Trung Quốc đã xây dựng lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, thử nghiệm các tên lửa đạn đạo nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại, tiếp tục chiếm đoạt Biển Đông và theo đuổi chủ nghĩa thực dân kinh tế.

Thế nhưng, có lẽ điều đáng báo động nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ là việc Trung Quốc nhanh chóng xây dựng và hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của mình.

Là một bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí ạt nhân (NPT), lẽ ra Trung Quốc nên làm việc “theo hướng giải trừ vũ khí hạt nhân,” nhưng thay vào đó, nước này tiếp tục mở rộng và hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân của mình.

Những tiến bộ mà Trung Quốc đạt được bao gồm: hoàn thiện bộ ba hạt nhân với máy bay ném bom chiến lược H-20 và H-6N, trang bị tên lửa lướt siêu thanh gắn đầu đạn hạt nhân và phát triển tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm JL-3, vốn có tầm bắn gần gấp đôi so với tên lửa JL-2 hiện tại.

Các quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng Trung Quốc chỉ sở hữu hơn 200 vũ khí hạt nhân, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng con số này là 300 hoặc hơn. Dù thế nào, trong thập kỷ tới, con số đó được dự đoán sẽ tăng gấp đôi.

Nhưng có lẽ điều đáng lo ngại hơn cả sự gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân nhanh chóng này là ẩn ý đằng sau nó: do các cơ sở sản xuất hạt nhân của Trung Quốc đang thực sự hoạt động (không giống như ở Mỹ, nơi các cơ sở này đã trở nên “nguội lạnh”), nên nước này có thể dễ dàng phát triển hơn nữa kho vũ khí dự trữ của mình.

[Toan tính hạt nhân của Trung Quốc cản trở hiệp ước tên lửa Mỹ-Nga?]

Việc xây dựng kho vũ khí này cũng cho thấy Trung Quốc có chủ ý từ bỏ động thái duy trì khả năng răn đe ở mức tổi thiểu như được tuyên bố trước đây, theo đó Trung Quốc duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình ở mức nhỏ nhất, chỉ đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công thứ nhất.

Việc Trung Quốc tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân trong thời gian gần đây cho thấy học thuyết này đã thay đổi.

Mỹ công khai chia sẻ thông tin cụ thể về quy mô và khả năng kho vũ khí hạt nhân của mình để thúc đẩy tính minh bạch và giảm thiểu khả năng tính toán sai lầm trong các cuộc khủng hoảng.

Ngược lại, những thông tin chi tiết về kho vũ khí hạt nhân và các kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc luôn rất mơ hồ.

“Vạn lý Trường thành của những bí mật” về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có nguy cơ gây mất ổn định hơn nữa môi trường an ninh toàn cầu và có rủi ro dẫn tới tính toán sai lầm khi xảy ra một cuộc khủng hoảng.

Xét đến mục tiêu đã được tuyên bố của Trung Quốc là xem xét lại trật tự quốc tế và việc nước này tỏ thái độ coi thường các chế độ quốc tế khác, như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), việc Trung Quốc không đếm xỉa gì tới NPT không có gì đáng ngạc nhiên.

Quan điểm "giấu mình chờ thời" của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình rõ ràng đã trở thành dĩ vãng. Thay vào đó, Chủ tịch Tập Cận Bình mơ ước mở ra thời kỳ "đại phục hưng dân tộc Trung Hoa."

Nhưng nếu Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc, họ phải hành xử như một cường quốc. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc phải đến bàn đàm phán và thỏa thuận về giới hạn vũ khí hạt nhân cùng với Mỹ và Nga.

Hợp tác về các vấn đề hạt nhân không bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng có thể sẽ được đền đáp bằng các thỏa thuận giúp tăng cường tính minh bạch của các lực lượng hạt nhân, như Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (START mới) giữa Mỹ và Nga.

START mới (với tất cả các sai sót của nó) đã tạo cơ hội cho Mỹ và Nga phát triển một kế hoạch được cải tiến để giới hạn các lực lượng hạt nhân của chính họ và có thể cho phép Trung Quốc tham gia vào một thỏa thuận sau này.

Trên thực tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rõ rằng bất kỳ khuôn khổ kiểm soát vũ khí nào đã được thống nhất giữa Mỹ và Nga nên bao gồm một cách thức để Trung Quốc tham gia trong tương lai.

Đây là một mục tiêu thích đáng, và các đồng minh của Mỹ đã nhất trí. Ba Lan, Na Uy, Hà Lan, Iceland, Thụy Điển, Slovakia, Slovenia, Đan Mạch và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là những đối tác đã lên tiếng ủng hộ việc đưa Trung Quốc vào một hiệp ước ba bên trong tương lai.

Việc thuyết phục Trung Quốc tham gia một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân ba bên cùng với Mỹ và Nga sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với các nhà ngoại giao Mỹ.

Cả Mỹ và Nga vẫn có số đầu đạn hạt nhân nhiều hơn đáng kể so với Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc sẽ dùng những con số này để từ chối đến bàn đàm phán.

Gần đây, khi được Mỹ mời đến Vienna để đàm phán cùng với Mỹ và Nga về việc gia hạn START mới, không có gì ngạc nhiên khi không có đại diện nào của Trung Quốc xuất hiện.

Tham vọng phát triển kho vũ khí của Trung Quốc, bí mật đằng sau chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, và sự mập mờ của Bắc Kinh về cách thức và thời điểm họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân là những điều rất đáng lo ngại.

Những lo ngại này làm cho tính minh bạch mà một thỏa thuận ba bên có thể thúc đẩy trở nên có giá trị hơn.

Vì lý do trên, Mỹ và các đồng minh của mình phải kiên trì thuyết phục Trung Quốc ngồi vào đàm phán, và cần thừa nhận rằng đây sẽ là một nỗ lực lâu dài.

Chính quyền Mỹ tiếp theo sẽ phải tiếp tục tập trung vào việc đưa Trung Quốc vào một thỏa thuận trong tương lai.

Tuyên bố của cựu Tổng thống Ronald Reagan rằng "tất cả sẽ trở thành kẻ thua cuộc nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra" dường như đã rất rõ ràng, nhưng nếu không phá bỏ được "Vạn lý Trường thành" của những bí mật xung quanh kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, viễn cảnh ác mộng đó nhiều khả năng sẽ xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.