Trong căn phòng nhỏ ở tầng 5, khu tập thể trên phố Đội Cấn, nguyên phóng viên Báo Ảnh Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam) Trần Định, người từng 11 năm theo chân người anh hùng dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kịp đặt ngay một góc thờ Đại tướng với bức ảnh chân dung có lưu bút đề tặng của Người dành cho ông. Mùi hương trầm ấm lan tỏa giữa tiết trời hanh hao của Hà Nội một ngày cuối thu. Giữa không khí tiếc thương đang bao trùm cả nước trước sự ra đi của bậc Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam, thì những người đã từng làm công việc lưu giữ và đưa hình ảnh của Đại tướng đến gần hơn với dân chúng như nhiếp ảnh gia Trần Định hay đại tá, nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Hồng đều rưng rưng xúc động khi nhớ lại từng khoảnh khắc may mắn được gần gũi bậc “Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm” (giáo sư Vũ Khiêu viết về Võ Đại tướng). [Võ Nguyên Giáp: Danh tướng huyền thoại]Bữa cơm hai quả trứng luộc “Đứng trước Đại tướng, tôi như con chim sẻ trước một bầu trời bao la,” đại tá Trần Hồng, người chụp hơn 2000 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ khi hay tin Đại tướng đã “băng qua bầu trời.” Lặng đi trong niềm xúc động khi hồi tưởng lại quãng thời gian 20 năm gắn bó với Đại tướng, nhiếp ảnh gia Trần Hồng tâm sự: “Với tôi, Đại tướng không chỉ là một danh tướng huyền thoại của dân tộc mà còn là một người chú, người anh bình dị, sâu nặng nghĩa tình giữa đời thường!” Trong hồi ức của đại tá Trần Hồng, cách xưng hô “cậu-tớ” của Đại tướng với người dưới tuổi khiến người ta có cảm giác thân quen và gần gũi. Từ đó, “cũng dễ hiểu vì sao, trong một chuyến về thăm quê hương Quảng Bình, Đại tướng đã không ngần ngại cùng ăn trưa với một gia đình nghèo, mặc dù bữa trưa ấy chỉ có một đĩa khoai lang,” vị Đại tá già nhớ lại. Ông kể, lần đó, Đại tướng và phu nhân trực tiếp đến thăm viếng nhiều gia đình khó khăn. Trên đường đi, gặp một hộ gia đình sống trong một túp lều lụp sụp, Đại tướng ghé thăm, cùng ăn trưa và lắng nghe tâm tư của một gia đình nông dân nghèo khó. Ký ức hiện về như những thước phim quay chậm, mở ra trước mắt Đại tá Trần Hồng những câu chuyện về Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. “Chắc ít ai hình dung rằng, bữa trưa của Đại tướng và phu nhân có khi chỉ có chút cơm trắng và hai quả trứng luộc. Ông nhường bà và bà lại nhường ông. Họ cứ đẩy qua đẩy lại như vậy suốt bữa ăn. Cuộc sống của danh tướng huyền thoại giản dị vậy đó,” nhà báo Trần Hồng nghẹn ngào. Giọt lệ “Nhớ Bác” Quyết đoán, nghiêm nghị trong công việc nhưng giữa nhịp sống đời thường, không ít lần Đại tướng rơi lệ. Theo lời kể của Đại tá Trần Hồng, một lần, kết thúc buổi làm việc, Đại tướng không về ngay mà một mình lưu lại văn phòng. Tò mò, ông quay lại và thấy Đại tướng lặng đi trước bức tượng Bác Hồ đặt trong phòng làm việc, nét mặt đầy tâm trạng. "Tôi đứng ở một góc khuất và bấm máy. Thế nhưng, chụp được khoảng năm kiểu thì tôi không chụp được nữa vì thấy Đại tướng rơi lệ. Dường như lúc ấy, Đại tướng và bức tượng Bác là hai con người đang trò chuyện, giao cảm với nhau. Ánh mắt, thần thái của ông như đang giãi bày, tâm sự điều gì đó với người thầy của mình khi âm dương cách biệt,” giọng nói nghèn nghẹn, Đại tá Trần Hồng chia sẻ. Chính khoảnh khắc đó đã được nhiếp ảnh gia Trần Hồng ghi lại và ông đặt tên cho bức ảnh là “Nhớ Bác.” Đây cũng là bức ảnh ông tâm đắc nhất trong gia tài hơn 2.000 tấm ảnh chụp Đại tướng của mình. Ông bảo, suốt cuộc đời này, sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc được vị tướng huyền thoại đồng ý cho ông khắc họa chân dung bằng ảnh. Đó là một ngày tháng 10/1994. “Lấy hết can đảm, tôi đến căn nhà số 30 Hoàng Diệu [nơi ở của Đại tướng và gia đình-PV] và trình bày mong muốn được ghi lại những khoảnh khắc đời thường của Đại tướng. Ban đầu, nguyện vọng của tôi không được Đại tá Nguyễn Huyên [trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-PV] chấp thuận,” nhà báo Trần Hồng nhớ lại. Nhưng thật tình cờ, đúng lúc đó, Đại tướng đi ngang qua, biết được nguyện vọng của đại tá Trần Hồng với tư cách là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân nên đã nói với người trợ lý: “Cậu cứ để cho Trần Hồng gặp tôi bất cứ lúc nào.” Niềm hạnh phúc, sung sướng như vỡ òa vì từ đây ông có thể khắc họa chân dung Đại tướng cả trong công việc cũng như cuộc sống đời thường bằng ảnh. Đại tá kể, trước đó, từ năm 1973, ông đã nhiều lần được tiếp xúc với Đại tướng trong những sự kiện mà Báo Quân đội Nhân dân tham gia. Tuy nhiên, những lúc ấy, ông vẫn chỉ có thể đứng từ phía xa mà ngưỡng mộ và chụp Đại tướng trong những sự kiện mà Người tham gia. Trong tâm thức của nhiếp ảnh gia ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là một huyền thoại giữa đời thường.
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp dưới hiên nhà thời thơ ấu tại làng An Xá - Ảnh: Nhiếp ảnh gia Trần Định
Vị Tướng “galant” giữa đời thường
Với nhiếp ảnh gia Trần Định, trong căn nhà đang ngập tràn mùi hương trầm tưởng niệm Đại tướng, thần sắc có phần mệt mỏi sau một đêm gần như thức trắng, lọ mọ sắp lại “núi” tư liệu ảnh về vị danh tướng được cả thế giới kính trọng, ông chia sẻ: “Với tôi, Đại tướng là người vừa uyên bác, uyên thâm, quyền cao chức trọng nhưng cũng vừa là người đàn ông rất nhẹ nhàng, điềm đạm, thương người và ứng xử rất nhân hậu, bao dung…” Từng được theo Đại tướng trong một số chuyến đi Tây Bắc, nhà báo Trần Định đặc biệt ấn tượng về sự đón chờ, những tình cảm nồng ấm, chân tình mà nhân dân Tây Bắc nói chung và nhân dân Điện Biên Phủ nói riêng dành cho Người ở nơi thâm sơn cùng cốc. Thành quả của những tấm tình ấy là ông đã ghi lại được rất nhiều hình ảnh đẹp về Đại tướng giữa những vòng tay, trái tim đồng bào Tây Bắc dịp Người trở lại chiến trường xưa, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. “Tôi cảm thấy còn hạnh phúc hơn khi được Đại tướng… mắng. Chuyện là, trong một câu chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi đã không dùng đại từ nhân xưng, chức danh khi nói về Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm mà chỉ gọi tên. Nghe đến đó, lập tức Đại tướng dừng chuyện và nhắc nhở: ‘Cậu nên thận trọng hơn khi nói về ông Ngô Đình Diệm. Dẫu sao ông ấy cũng từng là một vị Tổng thống,” nhiếp ảnh gia Trần Định bồi hồi nhớ lại. Sự cẩn trọng của Đại tướng, theo nhà báo Trần Định phân tích, có lẽ không phải vì cố Tổng thống Ngô Đình Diệm là đồng hương mà trong sự nhắc nhở này còn hàm chứa một ý nghĩa chính trị khác. “Ý nghĩa chính trị ấy theo tôi chứa đựng trong câu chuyện cây dừa làng An Xá [xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình-PV], nơi chôn nhau cắt rốn của Võ Đại tướng. Chùa làng An Xá có một cây dừa bị mảnh bom phạt mất ngọn. Ít lâu sau, nó hồi sinh với hai ngọn vươn lên trời cao. Nhân dân làng An Xá bảo vệ và thờ phụng cây dừa hai ngọn này vì niềm tin rằng cây dừa hai ngọn ấy là tượng trưng cho Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm và Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,” ông Trần Định chia sẻ. Đặc biệt, không chỉ là một hình tượng vĩ đại đẹp từ nhân cách đến tâm hồn, trong tâm trí nhà báo Trần Định, Đại tướng còn là người đàn ông “galant” với phụ nữ. “Tôi từng được chứng kiến suốt mấy tháng trời, trong thời gian quay bộ phim tài liệu về Đại tướng tại khu an dưỡng dành cho các lão thành cách mạng ở Hồ Tây, do đạo diễn, nghệ sỹ nhân dân Đào Trọng Khánh phụ trách, sáng sớm nào tôi cũng đến sớm và được chứng kiến cảnh ở tuổi ngoài 90 nhưng trước khi dời phòng Đại tướng luôn dặn với lại phu nhân: ‘Hà ơi, anh xuống trước rồi xong thì em xuống sau để ăn sáng nhé.’ Và, Bác tự mình bước đi cầu thang từ tầng hai xuống phòng ăn ở tầng một để đợi sẵn phu nhân,” nhà báo Trần Định hồi tưởng. Và lúc này, hơn cả những tụng ca về tài năng quân sự mà cả thế giới phải ngả mũ khâm phục, ngưỡng mộ, cái còn lại trong trái tim, tâm tưởng những thế hệ hậu sinh ở lại là tấm gương về một nhân cách lớn, đức độ hiếm thấy của con Người vĩ đại, kiệt xuất mà lịch sử thế giới đã ghi danh. Giờ đây những tiếc thương cõi tạm xin gửi lại để thành kính tiễn Người siêu thoát về cõi vĩnh hằng./.
Phương Mai Anh (Vietnam+)