Vì sao các khối liên minh Trung Đông ngày càng mong manh?

Các đối thủ ở Trung Đông đang cạnh tranh ở các lĩnh vực kinh tế, thương mại, quân sự và địa chính trị, dẫn đến sự rạn nứt của các khối liên minh khác nhau trên khắp khu vực Trung Đông rộng lớn.
Vì sao các khối liên minh Trung Đông ngày càng mong manh? ảnh 1Người dân Syria sơ tán đến khu vực an toàn để tránh chiến sự ở phía bắc tỉnh Idlib ngày 6/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview đưa tin ba sự kiện gần đây có khả năng dẫn đến sự đổ vỡ của các liên minh Trung Đông: Thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về việc tấn công khu vực Idlib ở Syria do lực lượng nổi dậy chiếm đóng, số phận của hãng hàng không Etihad của Abu Dhabi, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các cuộc tranh giành tái thiết đất nước Syria.

Rõ ràng, các đối thủ ở Trung Đông đang cạnh tranh ở các lĩnh vực kinh tế, thương mại, quân sự và địa chính trị, dẫn đến sự rạn nứt của các khối liên minh khác nhau trên khắp khu vực Trung Đông rộng lớn, một khu vực trải dài từ Bắc Phi cho tới Tây bắc Trung Quốc.

Sự rạn nứt này có thể thấy rõ nét nhất trong liên minh Nga-Thổ-Iran trong bối cảnh hợp tác vùng Vịnh với Israel để đối đầu với Iran cũng như mặt trận thống nhất do Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất khởi xướng.

Nga ít nhất cho đến nay đã tránh được một sự cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách trì hoãn một cuộc tấn công tổng lực vào Idlib.

Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cư ngụ của 3 triệu người Syria, lo sợ rằng một cuộc tấn công của Nga-Syria sẽ đẩy hàng trăm nghìn người, nếu không muốn nói là hàng triệu người, tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu Iran là mắt xích yếu nhất trong cuộc tranh luận về Idlib, thì nước này sẽ mạnh hơn trong cuộc cạnh tranh sắp tới với Nga trong việc tái thiết đất nước Syria bị tàn phá bởi chiến tranh.

Vì sao các khối liên minh Trung Đông ngày càng mong manh? ảnh 2Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Sochi, Nga ngày 17/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Nga dường như lo lắng trước sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria thời hậu chiến vì Israel chắc chắn sẽ phản đối và có thể tiến hành các vụ tấn công.

Những diễn biến gần đây cho thấy rằng các khối liên minh, cụ thể là liên minh Nga-Thổ-Iran là dễ đổ vỡ. Điều này càng đúng nếu Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm điểm chung trong các khái niệm về chủ nghĩa Á-Âu.

Sự mong manh của các khối liên minh này còn do bởi những khát vọng của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran trong việc khôi phục lại đế chế trong thế kỷ 21 và việc Saudi Arabia tìm cách thống trị khu vực.

Khái niệm về đế chế là để nhắc tới những chính sách có từ lâu trước khi có sự sắp xếp lại ở khu vực Á-Âu do Mỹ tập trung chuyển hướng từ Trung Đông sang châu Á, sự trỗi dậy của Trung Quốc, mối quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Nga cũng như sự quyết đoán hơn của các quốc gia Trung Đông như Saudi Arabia, UAE và Iran.

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã và sự nổi lên của các nước cộng hòa Trung Á độc lập, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Demirel khi đó nói rằng: "Thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trải dài từ Địa Trung Hải cho tới Vạn lý trường thành của Trung Quốc."

Trong một thế giới nơi toàn cầu hóa được định hình bởi các khu vực địa chính trị, chứ không phải các quốc gia đơn lẻ, Nga chú ý đến một khu vực, tự khẳng định mình là một cường quốc châu Á, chứ không phải cường quốc châu Âu, mà sẽ sánh ngang tầm với Trung Quốc, Liên minh châu Âu và một vùng ảnh hưởng của Mỹ.

“Ông Putin không nghĩ về những giới hạn quốc gia. Ông nghĩ về các khối lớn hơn và đặc biệt là trật tự thế giới,” cựu Bộ trưởng Bồ Đào Nha Châu Âu Bruno Macaes đã viết như vậy trong một cuốn sách xuất bản gần đây mang tên “Bình minh của khu vực Á-Âu.”

Lâu nay, Nga xác định mình là một cường quốc Á-Âu, chứ không phải cường quốc châu Âu. Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) bao gồm Nga, Kazakhstan, Belarus và Armenia sẽ cho phép Nga hình thành một khối ở vùng đất biên giới giữa châu Âu và châu Á.

Tương tự, chủ nghĩa Á-Âu đã phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ với việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho rằng nước này nằm ở ngã ba đường giữa châu Âu, châu Phi và châu Á, chứ không phải là một chiếc cầu nối của châu Âu vắt sang châu Á.

Với đặc điểm trên, nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Sinan Baykent đã miêu tả chuyến thăm Đức mới đây của Tổng thống Erdogan và đề nghị của ông về một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức và Pháp về Syria là để “mở đường cho một giải pháp Á-Âu đối với khu vực này…

Theo ông Baykent, có một trục mới đang hình thành giữa Berlin, Moskva, Ankara, Tehran và có thể là Paris. Tất cả những quốc gia này đều chán ngấy với chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và các chính sách quá đáng của chính quyền Trump.

Nếu quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vị thế của họ trong thế giới này được xác định bởi sự mở rộng về địa lý, Iran có lẽ sẽ có quan điểm hướng nội hơn, bất chấp những cáo buộc rằng Tehran đang tìm cách khẳng định quyền bá chủ ở Trung Đông.

Tạp chí tình báo địa chính trị Stratfor lưu ý: “Iran là một pháo đài, được bao quanh bởi ba dẫy núi, phía thứ 4 là đại dương và vùng sa mạc nằm ở giữa.”

Những mối lo của vùng Vịnh không chỉ bắt nguồn từ mất lòng tin sâu sắc đối với chế độ Hồi giáo Iran, mà còn bởi thực tế rằng nền tảng của đế chế Ba Tư trước đây dựa vào sự kiểm soát các vùng đồng bằng ở Iraq ngày nay.

Các quốc gia như Qatar, Saudi Arabia và UAE đang xoay xở khá tốt với việc về địa chính trị tập trung vào nước Mỹ khó lường và về kinh tế tập trung vào Trung Quốc cũng như phần còn lại của châu Á, bao gồm Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Quyền lợi của tất cả các bên đang bắt đầu chệch hướng ở Syria và triển vọng hợp tác với Nga và Iran đang trở nên thách thức hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.