Vì sao giới lãnh đạo châu Phi "im ắng" trước xung đột Nga-Ukraine?

Giới lãnh đạo châu Phi không muốn chọn phương Tây bởi họ không thấy có sự tương đồng, còn nếu ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga thì có nguy cơ làm chệch hướng những hỗ trợ của Mỹ với Lục địa này.
Khói bốc lên từ sân bay ở Dnipro, miền Đông Ukraine, ngày 10/4/2022, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga đang diễn ra tại Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tạp chí Foreign Policy có bài đánh giá sâu về những nguyên nhân khiến các nước châu Phi không "theo gót" phương Tây thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga.

Nguyên nhân khiến nhiều nước phớt lờ những yêu cầu của Washington và Liên minh châu Âu (EU) được chỉ ra là các nước này muốn giữ cam kết không liên kết, lo sợ làm mất lòng Trung Quốc cũng như phụ thuộc vào Nga về vũ khí và an ninh.

Hôm 7/4, khi Liên hợp quốc bỏ phiếu để đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội đồng nhân quyền, phần lớn các nước châu Phi đã bỏ phiếu trắng.

Washington đã cố gây áp lực ngoại giao để lên các nước châu Phi tham gia những lệnh trừng phạt chống lại “cuộc xâm lược tàn bạo của Moskva ở Ukraine,” một thông điệp mà ngày càng nhiều lãnh đạo châu Phi phớt lờ.

Đối với một thành viên nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) như Nam Phi, đây đã là lần bỏ phiếu trắng thứ ba đối với những hành động của Nga.

Đó là một minh chứng cho lập trường của của giới lãnh đạo châu Phi mà giới phân tích cho là nhờ những hoạt động "ve vãn" của Tổng thống Vladimir Putin đối với giới lãnh đạo châu lục này.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 8/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden “nhấn mạnh sự cần thiết của một phản ứng quốc tế rõ ràng và thống nhất đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine.”

Mặc dù Liên minh châu Phi (AU) đã rõ ràng lên án Nga, song việc thiếu sự đồng thuận từ các nhà lãnh đạo châu Phi đã cản trở đòn tấn công ngoại giao của Washington.

Là một đồng minh trung thành của phương Tây như Senegal, việc từ chối này không thể là do ảnh hưởng của Nga. Trong cuộc điện đàm hôm 11/4 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - người đã yêu cầu được phát biểu trước AU, Tổng thống Senegal Macky Sall nhắc lại “sự cần thiết phải ủng hộ đối thoại để đạt được kết quả thương lượng đối với cuộc xung đột,” thay vì ủng hộ quan điểm của Mỹ.

Lập trường của Tổng thống Sall tuân theo nguyên tắc không liên kết có từ những năm 1960 của châu lục này, khi các quốc gia châu Phi mới độc lập tìm cách phủ nhận vị thế bá quyền của phương Tây.

Hồi tháng 3/2022, trong một cuộc phỏng vấn với BBC, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng “bạn không thể đứng ngoài lề và theo dõi hành động gây hấn mà chúng ta thấy đang diễn ra ở Ukraine và nói rằng bạn sẽ giữ quan điểm trung lập về điều đó.”

Trong khi đó, cây bút Samuel Ramani cho "Foreign Policy" bình luận rằng “cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ khiến nhiều người châu Phi chết đói hơn những người Ukraine trên chiến trường. Châu Phi cần thể hiện quan điểm và lên án sự can thiệp của Nga.”

Các nhà phân tích cho rằng sự phản ứng của lãnh đạo châu Phi trước những lập luận mà Mỹ và phương Tây đưa ra trong cuộc thảo luận về xung đột Nga-Ukraine cho thấy một sự thay đổi to lớn trong cách thức mà những nhà ngoại giao và nhà quan sát chính sách đối ngoại tiếp tục coi châu Phi là đồng nhất (với phương Tây), thiếu bản sắc riêng của 54 quốc gia có chủ quyền khi mỗi nước đều thể hiện quan điểm dựa trên những lợi ích ngoại giao và kinh tế phức tạp.

Kholood Khair, nhà phân tích chính trị người Sudan và là đối tác quản lý tại cơ quan nghiên cứu Insight Strategy Partners, giải thích: “Các nhà lãnh đạo châu Phi ngày càng trở nên dị ứng hơn với giọng điệu đó (của Mỹ và phương Tây) - điều mà Trung Quốc đã phát hiện ra. Dường như thông điệp của Trung Quốc thu hút được nhiều sự chú ý hơn. Thông điệp của Trung Quốc hấp dẫn hơn đối với những nước châu Phi đang cố gắng khẳng định sức mạnh chính trị của riêng mình.”

Lực lượng khẩn cấp Ukraine dập lửa tại hiện trường một khu vực bị không kích trong cuộc xung đột Nga-Ukraine ở Dnipro (miền Đông Ukraine) ngày 11/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lập trường của Trung Quốc đối với Nga đã ảnh hưởng rất nhiều đến lập trường của các nước châu Phi mà Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và thân cận nhất.

Đối với một số quốc gia châu Phi, việc bỏ phiếu trắng có thể không nhất thiết đồng nghĩa với lập trường thân Nga mà là sự thể hiện lập trường "thân" Trung Quốc.

Các nhà quan sát châu Phi bảo vệ việc bỏ phiếu trắng cũng chỉ ra rằng sự chú ý của giới truyền thông dành cho Ukraine không tương xứng so với những cuộc xung đột khác và đồng thời chỉ ra việc áp dụng "tiêu chuẩn kép" đối với các cuộc xâm lược của phương Tây tại Libya và Iraq.

Người ta cũng đề cập tới “đạo đức giả” trong việc áp đặt những biện pháp trừng phạt tác động đến các nước châu Phi, trong khi châu Âu vẫn chi 35 tỷ euro (38 tỷ USD) để nhập khẩu năng lượng của Nga kể từ khi xung đột bắt đầu.

Một số nhà lãnh đạo châu Phi đã kết luận đơn giản rằng họ không đủ khả năng để đứng về bất kỳ bên nào khi cân nhắc đến mức độ dễ bị tổn thương của nước mình trước thị trường kinh tế biến động, dân số trẻ ngày càng gia tăng và ngày càng bất bình với chính phủ, những thách thức an ninh mà họ phải đối mặt vốn cần nhiều đồng minh hơn.

Việc Mỹ đột ngột rút lui khỏi Afghanistan và tình cảnh tháo chạy đầy hỗn loạn khiến một số nhà hoạch định chính sách châu Phi coi Washington như một đối tác không đáng tin cậy vốn cũng sẽ đặt các nhu cầu an ninh của Mỹ lên hàng đầu.

[LHQ thúc đẩy đối thoại về vấn đề nhân đạo giữa Nga và Ukraine]

Năm 2021, khi Mỹ tạm dừng thỏa thuận vũ khí với Nigeria do lo ngại về vi phạm nhân quyền, Abuja đã quay sang Nga - nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất sang châu Phi - để bổ sung kho vũ khí cho cuộc chiến chống Boko Haram.

Nga cũng thường tăng cường quan hệ với các chính phủ châu Phi khi Moskva vướng vào căng thẳng với phương Tây.

Trên tờ Time của Mỹ, ông Sandun Munasinghe thuộc Viện Tony Blair về Thay đổi Toàn cầu lưu ý rằng “Châu Phi, trong một thời gian, đã là mặt trận thứ hai trong cuộc đối đầu của Putin với phương Tây.”

Mali và Cộng hòa Trung Phi - hai nước nhận được những hậu thuẫn an ninh quan trọng của Moskva - đã bỏ phiếu chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Những vụ giết hại dân thường trong Chiến dịch Barkhane của Pháp và việc Paris từ chối nhận trách nhiệm đã tạo nền tảng cho sự bành trướng của Nga lan sang đến Mali.

Đổi lại, Moskva hôm 9/4 đã bác bỏ yêu cầu của Pháp về việc Liên hợp quốc cần tiến hành một cuộc điều tra về những cáo buộc lính đánh thuê thuộc công ty bán quân sự Wagner của Nga thảm sát thường dân ở Mali.

Người dân Ukraine sơ tán khỏi thành phố Mariupol ngày 24/3/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ở Cộng hòa Trung Phi, lực lượng của Wagner bảo vệ chính quyền trước những kẻ nổi dậy có vũ trang. Tuy nhiên, chính phủ nước này cũng đã cáo buộc lính đánh thuê Nga trong 103 vụ vi phạm nhân quyền.

Tại Sudan và vùng Sừng châu Phi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã lấp đầy khoảng trống quyền lực mà Mỹ bỏ lại dưới thời chính quyền Donald Trump và tiếp tục gây ảnh hưởng vốn thường đi ngược lại với những lợi ích của phương Tây.

Việc đối xử với những sinh viên châu Phi di tản khỏi cuộc chiến ở Ukraine cũng làm phức tạp quan điểm của các nước châu Phi.

Một bài xã luận trên tờ The Guardian ở Nigeria viết có đoạn: “Theo sự dẫn dắt của các chính phủ châu Phi, thế giới vui mừng chấp nhận hành vi vô nhân tính với những người châu Phi bị cuốn vào cuộc chiến ở Ukraine.”

Ngoài ra, có những nước châu Phi nhận thức rõ những phản ứng toàn cầu mau lẹ nhằm lên án Nga, song lại phớt lờ những lời kêu gọi loại bỏ những kẻ vi phạm nhân quyền ở châu Phi ra khỏi Hội đồng Nhân quyền.

Người dân Cameroon từ lâu đã vận động cho những biện pháp trừng phạt chống lại chính quyền của Tổng thống Paul Biya vì những hành động tàn bạo mà binh lính Cameroon (được sự hậu thuẫn của Mỹ) thực hiện trong cuộc chiến chống lại Boko Haram và những người ly khai nói tiếng Anh.

Hồi năm 2021, Cameroon đã được bầu lại là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, có hiệu lực vào tháng 1/2022. Chính trị gia Cameroon Kah Walla cho rằng “Nếu chúng ta định áp dụng các biện pháp để trừng phạt những kẻ độc tài, thì chúng ta hãy làm điều đó nhưng hãy làm điều đó đối với tất cả mọi người.”

Khi các nhà lãnh đạo châu Phi thấy họ không tương đồng với phương Tây và chiến dịch quân sự của Nga có nguy cơ làm chệch hướng những hỗ trợ của Mỹ và gây nguy hiểm cho các cam kết hướng tới hòa bình, an ninh và phục hồi kinh tế vốn được công bố gần đây tại hội nghị thượng đỉnh AU-EU, thì giới lãnh đạo lục địa này không muốn phải "chọn bên" giữa các cựu thù thời Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, những phát ngôn theo chủ nghĩa bảo trợ và thực dân mới được sử dụng để lên án chính sách không liên kết của các nước châu Phi sẽ chỉ đẩy các nước châu lục này xích lại gần hơn với Trung Quốc và các nước vùng Vịnh và chỉ làm lợi cho những lãnh đạo độc tài muốn tận dụng những lập luận này để "tham quyền cố vị”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục