Vì sao khe hở giữa đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông và ke ga lại rộng?

Ban quản lý dự án đường sắt đã chính thức lên tiếng về những tồn tại của thiết kế của nhà ga La Khê, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Khe hở giữa tàu và ke ga rộng khiến nhiều người tỏ ra lo lắng và bất an trong quá trình sử dụng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Liên quan đến những băn khoăn của người dân về thiết kế của nhà ga La Khê, dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) đã chính thức lên tiếng trong đó nhấn mạnh, dự án được thiết kế và thi công theo quy chuẩn và đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục thi công cuối cùng để đưa vào khai thác, vận hành

Về việc khe hở giữa tàu và ke ga rộng, theo Ban quản lý dự án đường sắt, đoàn tàu trong quá trình di chuyển sẽ có lắc ngang, để tránh đoàn tàu va chạm vào ke ga trong quá trình di chuyển thì phải bố trí khe hở giữa mép ngoài ke ga với phía ngoài toa xe của đoàn tàu.

[Người dân háo hức tham quan tàu Cát Linh - Hà Đông và ga mẫu La Khê]

Đối với dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông được thiết kế và thi công theo quy chuẩn của Trung Quốc, khoảng cách giữa mép ngoài ke ga với phía ngoài toa xe là từ 80-100mm, đối với đoạn đường cong không được lớn hơn 180mm. Dự án được thiết kế và thi công đảm bảo đúng quy chuẩn.

“Do đoàn tàu chưa tiến hành đóng điện để căn chỉnh lại hệ thống thủy lực giảm xóc dẫn đến đoàn tàu có hiện tượng bị nghiêng ra phía ngoài ga nên nhìn thấy khe hở có rộng hơn so với yêu cầu. Sau khi đoàn tàu được đóng điện, căn chỉnh thủy lực sẽ đảm bảo đúng quy chuẩn thiết kế,” lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt khẳng định.

Về tốc độ tàu chạy và bố trí ghế ngồi cho người tham gia đi tàu, Ban quản lý dự án đường sắt cho rằng, theo thiết kế đoàn tàu chạy tốc độ tăng tốc tối đa 80km/giờ; tốc độ khai thác trung bình là 35km/h. Khoảng cách trung bình giữa các ga là 1,15km. Thời gian giãn cách chạy tàu tối thiểu giai đoạn đầu 6 phút, giai đoạn giữa 4 phút, giai đoạn sau 2-3 phút. Thời gian di chuyển tổng cộng 13km từ đầu tuyến đến cuối tuyến vào khoảng 25,56 phút.

Đoàn tàu dự án Cát Linh- Hà Đông thuộc chuẩn đường sắt nhẹ, có khoảng cách giữa các ga ngắn. Tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn đảm bảo điều hòa nhiệt độ, toa tàu đủ sáng, thông thoáng cho hành khách lên xuống nhanh nhất có thể; đây là phương tiện vận tải công cộng nội đô, ưu tiên việc vận chuyển được nhiều hành khách, tốc độ chạy trung bình không cao (trung bình 35km/giờ) nên việc tiết kiệm không gian tối đa để chứa được nhiều hành khách được ưu tiên cao nhất.

Hơn nữa, hành khách lên/xuống liên tục nên bố trí ghế ngang sẽ gây ách tắc trong khi đoàn tàu được ưu tiên để có lượng khách lớn nhất có thể, hành khách đứng sẽ không gặp khó khăn do quãng đường, thời gian di chuyển ngắn, tốc độ khai thác trung bình không cao (tại các nước trên thế giới với chuẩn tàu đường sắt nhẹ đều bố trí hai hàng ghế dọc thân tàu); ghế ngồi phẳng bằng composite đã được nghiên cứu phù hợp với tốc độ trung bình 35km/giờ và vẫn đảm bảo không bị lạnh quá vào mùa đông, đảm bảo thẩm mỹ, độ bền.

Đặc biệt, vị trí cho xe lăn, ghế ngồi cho người khuyết tật, người già, trẻ em, phụ nữ có thai đã được thiết kế bố trí đầy đủ; các thành phần khác như cột đứng, thanh dọc được thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn chuyên ngành có tính đến vóc dáng trung bình của hành khách.

[Người dân mong chờ ngày đặt chân đi tàu đô thị Cát Linh-Hà Đông]

Đối với việc cầu thang bộ cao nên người dân, đặc biệt là người già và trẻ em khi đi lên tầng nhà ga (tầng mua vé) và tầng ke ga (tầng đợi tàu) sẽ bị mệt, khó khăn cho việc đi lại, Ban quản lý dự án đường sắt cho rằng, theo thiết kế thì tại các nhà ga được bố trí đồng bộ 2 hệ thống cầu thang riêng biệt cho mối mặt của nhà ga.

Mỗi hệ thống bao gồm cầu thang bộ, cầu thang cuốn tự động và cầu thang máy/thang nâng có chức năng khác nhau; trong đó riêng cầu thang máy/thang nâng là giành riêng cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng tham gia đi tàu.

Hiện nay, thiết bị thang cuốn tự động, tháng máy/thang nâng chưa được lắp đặt xong. Sau khi các thiết bị này được lắp đặt, người dân có thể sử dụng để di chuyển lên nhà ga một cách thuận tiện.

Về một số tồn tại về thi công như kính cường lực của lan can có tấm bị nứt, bu lông còn thiếu hoặc chưa được vặn chặt, Ban quản lý dự án đường sắt cho rằng, nhà thầu thi công vẫn đang tiếp tục hoàn thiện lắp đặt lan can kính lối lên xuống cầu thang. Dự án vẫn đang trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị, nên tại một số vị trí các bu lông mới được lắp định vị, để tiện cho việc căn chỉnh.

Những tồn tại này đều được Ban quản lý dự án và Tư vấn kiểm tra, chỉ đạo hoàn thiện trong và sau thời gian tham quan đảm bảo chất lượng khi nghiệm thu đưa vào sử dụng chính thức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục