Mức khoán kinh phí xe công 6,5 triệu đồng mỗi tháng cho lãnh đạo theo đại diện Bộ Tài chính mới chỉ xuất phát từ việc “tính nhẩm” bình quân và sẽ đợi ý thêm ý kiến từ các bộ, ngành.
Đây là nội dung vừa được ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết trong buổi họp báo tổ chức chiều 8/3.
Mức khoán cao hay thấp?
Mức khoán kinh phí sử dụng xe công 6,5 triệu đồng một tháng là 1 trong 2 phương án được Bộ Tài chính đề xuất trước đó với các chức danh có hệ số phụ cấp từ 1,25 đến thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Việc khoán này theo phương án của ngành tài chính sẽ là bắt buộc với các chức danh trên.
Lý giải thêm cho mức trên, ông Thắng cho rằng, con số này xuất phát từ thực tiễn kiểm chứng ở Bộ Tài chính. Trước đó, từ tháng 10/2016, cơ quan này đã đi đầu trong khoán kinh phí xe công cho các lãnh đạo bộ. Theo ông Thắng, các lãnh đạo ở Bộ Tài chính được tính toán kinh phí dựa trên quãng đường thực tế. Mỗi tháng, mức khoán cao thì khoảng 10 triệu đồng/tháng, và thấp là khoảng 2-3 triệu đồng/tháng.
Bởi vây, mức 6,5 triệu đồng/tháng theo ông Thắng là con số bình quân vì các thứ trưởng “nhà chỗ này chỗ kia.” Ông cũng tiết lộ, quãng đường từ nhà tới cơ quan của một số lãnh đạo đã được “bí mật tìm hiểu” để đưa ra mức khoán trên.
Với phương án 2 được đại diện Bộ Tài chính đề xuất trước đó là dựa trên khoảng cách thực tế đưa đón với mức 16.000 đồng/km và có điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%.
Trả lời cho thắc mắc, mức 16.000 đồng/km liệu có quá cao không, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, nếu mức khoán chỉ để ở mức khoảng 12.000 đồng/km như giá taxi hiện tại thì sang năm, khi giá xăng, dầu lên cao, mức này lại phải sửa đổi.
Thừa nhận số tiền trên cũng cần nghiên cứu thêm nhưng ông Thắng nhấn mạnh quan điểm, mức khoán này mặc dù cao hơn taxi hiện tại nhưng cũng phải tính theo tiêu chuẩn xe các lãnh đạo sử dụng. Mức tiêu chuẩn này dao động trong quãng 720 triệu đồng tới khoảng 1 tỷ đồng.
Với mức này, ông đánh giá “nhìn vào tưởng là thoáng” nhưng đặt trong bài toán tổng thể thì chi phí vẫn được giảm đáng kể. Cụ thể, tiền để “nuôi” 1 chiếc xe công mỗi năm bao gồm cả tiền bảo dưỡng, sửa chữa, lương cho lái xe, chi phí nhiên liệu, theo ông Thắng là khoảng 320 triệu đồng mỗi xe. Tuy nhiên, với mức khoán mới, chi phí có thể giảm một nửa. Như vậy, cả Nhà nước và người được khoán đều có lợi.
Có thể siết cả ôtô chuyên dùng
Không chỉ ôtô phục vụ chức danh, xe chuyên dùng cũng là đối tượng được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn, định mức, thẩm quyền.
Theo ông Thắng, xe chuyên dùng có một nhóm dễ nhận ra như cứu thương, cứu hỏa,… được gọi chung là xe gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng hoặc có cấu tạo đặc biệt.
Tuy nhiên, cũng có xe kết cấu bình thường nhưng sử dụng cho các nhiệm vụ đặc thù của một số cơ quan, đơn vị như: xe phục vụ công tác kiểm tra giám sát, xe phục vụ công tác thanh tra, kiểm toán,… Đây chính là nhóm được ông cho là việc trang bị hiện tại chưa thống nhất.
Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ quy định định mức sử dụng xe phục vụ công tác chung thống nhất chỉ từ 1-2 xe/đơn vị và tăng cường việc kiểm tra, giám sát thì số lượng xe chuyên dùng đã tăng lớn so với trước đây.
So sánh với năm 2013, lãnh đạo ngành tài chính tính toán, chỉ trong vòng vài năm, số lượng xe chuyên dùng đã tăng tới 5.000 xe. Hiện tới hết năm 2016, riêng số xe chuyên dùng đã lên tới hơn 16.000 chiếc trong tổng số hơn 34.000 xe công trong cả nước.
Nguyên nhân việc này theo ông Thắng bởi các bộ, ngành, địa phương được giao quyền và việc điều chỉnh xe là toàn quyền.
Qua đó, ông cho biết, Bộ Tài chính đề xuất, với các ôtô chuyên dùng có gắn trang thiết bị hoặc cấu tạo đặc biệt, lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương vẫn ban hành định mức xe. Tuy nhiên, với những ôtô chuyên dùng còn lại, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định dựa trên đề xuất của các đơn vị, địa phương./.