Vì sao mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ ngày càng nghiêm trọng?

Theo truyền thông Hàn Quốc, mâu thuẫn Hàn-Nhật đã leo thang trở thành một “cuộc chiến toàn diện” và sự đối đầu giữa hai nước được dự báo sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Người dân mua sắm hàng hóa tại khu vực Myeongdong, thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu triển khai đối phó toàn diện với việc bị Nhật Bản loại khỏi “danh sách trắng” các quốc gia được hưởng ưu đãi khi muốn mua hàng xuất khẩu của Nhật.

Theo truyền thông Hàn Quốc, mâu thuẫn Hàn-Nhật đã leo thang trở thành một “cuộc chiến toàn diện” và sự đối đầu giữa hai nước được dự báo sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki trong cuộc họp báo chung giữa các cơ quan chính phủ ngày 2/8 tuyên bố sẽ thực hiện các quy trình cần thiết để thắt chặt quản lý xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đồng thời, Seoul cũng sẽ xúc tiến loại Tokyo khỏi “danh sách trắng” của mình. Chính phủ Hàn Quốc kết luận rằng động thái của Nhật Bản đã vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thương mại tự do, quyết định sẽ khởi kiện Nhật Bản lên WTO trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, Quốc hội Hàn Quốc cùng ngày đã đạt được nhất trí khi thông qua nghị quyết với nội dung kêu gọi Nhật Bản rút lại quy chế xuất khẩu “mang tính chất trả đũa” đốivới Hàn Quốc.

Đặc biệt, Phủ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố sẽ xem xét việc hủy bỏ Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc đã lập nhiều đối sách để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, và một trong số đó là giảm tối đa 40% thuế cho doanh nghiệp phải nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia khác thay thế Nhật Bản.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng lập đối sách để giúp nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp nguyên liệu, linh kiện, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ.

Trước đó, chủ trì cuộc họp Nội các khẩn cấp cùng ngày, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố Seoul quyết “không chịu thua” Tokyo một lần nữa. Nếu Nhật Bản cố ý gây thiệt hại cho nền kinh tế Hàn Quốc, nước này cũng sẽ phải gánh chịu thiệt hại tương ứng.

[Tổng thống Hàn Quốc: Nền kinh tế hòa bình liên Triều sẽ vượt Nhật Bản]

Phó Thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết có 1.194 mặt hàng chiến lược của Seoul có liên quan tới quyết định trên của Tokyo, trong đó 159 mặt hàng bị ảnh hưởng lớn. Nhập khẩu từ Nhật Bản chiếm 9,6% tổng nhập khẩu của Hàn Quốc.

Ngược lại, nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ chiếm 4,1% tổng nhập khẩu của Nhật Bản. Mặc dù tỷ lệ nhập khẩu từ Hàn Quốc của Nhật Bản thấp hơn, song nếu Seoul siết chặt quy chế xuất khẩu đối với những mặt hàng có tỷ trọng nhập khẩu lớn, thì cũng có thể gây ra cú sốc lớn với ngành công nghiệp nước này.

Phương án đáp trả đang được đưa ra hiện nay là hạn chế hàng hóa, dịch vụ Nhật Bản tiếp cận thị trường Hàn Quốc, nâng thuế quan, hoặc sử dụng các rào cản phi thuế quan như siết chặt quy định về công nghệ, quy trình thẩm định chứng nhận, tiêu chuẩn.

Trong thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã phản ứng hết sức kiềm chế, do lo ngại mâu thuẫn giữa hai bên có thể trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại khước từ mọi nỗ lực đối thoại, nhất quyết loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng," khiến Chính phủ Hàn Quốc buộc phải có bước đi tương ứng.

Không chỉ có vậy, Tokyo còn đang cảnh báo về một “đợt tấn công lần ba." Có khả năng Nhật Bản cũng sẽ đẩy cao hàng rào phi thuế quan trong nhập khẩu nông thủy sản từ Hàn Quốc.

Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực chuẩn bị các biện pháp đối phó thích hợp với những động thái trả đũa của Nhật Bản. Dự báo trong thời gian tới, quan hệ Hàn-Nhật khó tránh được cục diện đối đầu nghiêm trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục