Trong khi dân số thế giới vẫn đang trên đà tăng, nhiều quốc gia châu Á lại phải loay hoay tìm giải pháp để cải thiện tỷ lệ sinh thấp, chặn đà suy giảm dân số - yếu tố vốn đóng vai trò thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Nhiều người trẻ tại một số quốc gia châu Á ngày càng sinh ít con, thậm chí không sinh con do chi phí nuôi dưỡng và giáo dục một đứa trẻ ngày càng tăng.
Một nghiên cứu mới cho biết chi phí nuôi dạy một trẻ đến tuổi 18 của Hàn Quốc cao gấp 7,7 lần so với mức thu nhập bình quân trên đầu người, đây là mức cao nhất trên thế giới. Trung Quốc đứng thứ hai với chi phí cao gấp 6,9 lần, tiếp đó mới là Đức, Australia và Pháp.
Thực trạng tỷ lệ sinh tại các nước
Sau hàng chục năm tăng mạnh, dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ năm 1961. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), tính đến cuối năm ngoái, dân số nước này là 1,41175 tỷ người, giảm 850.000 người so với một năm trước đó.
Tỷ lệ sinh trung bình năm ngoái là 6,77/1.000 người, mức thấp kỷ lục tại Trung Quốc.
Dữ liệu chính phủ Nhật Bản công bố ngày 4/5 cho biết dân số trẻ em của nước này đã giảm năm thứ 42 liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục mới.
Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Nhật Bản, tính đến ngày 1/4, số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống, bao gồm cả người nước ngoài ở nước này, là 14,35 triệu, giảm khoảng 300.000 so với một năm trước đó.
Tỷ lệ trẻ em trên tổng dân số của Nhật Bản là 11,5%, giảm 0,2 phần trăm, cũng là con số thấp nhất kể từ năm 1950, thời điểm bắt đầu tiến hành thống kê dữ liệu để so sánh.
Năm 2022 là năm thứ 11 liên tiếp dân số Nhật Bản giảm, đồng thời đánh dấu một cột mốc đáng báo động khi số trẻ sơ sinh được sinh ra lần đầu tiên kể từ cuối những năm 1890, thời điểm các số liệu bắt đầu được lưu trữ, giảm xuống dưới ngưỡng 800.000 trẻ.
[Tốc độ già hóa dân số ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu]
Trong khi đó, dữ liệu cơ quan thống kê Hàn Quốc cho thấy có 249.000 trẻ được sinh ra vào năm ngoái, giảm 4,4% so với mức thấp kỷ lục năm 2021.
Tỷ suất sinh (số con sinh bình quân của một người phụ nữ trong suốt cuộc đời) là 0,78, mức thấp nhất kể từ năm 1970 khi số liệu bắt đầu được thống kê.
Cục trưởng Cục Y tế thuộc Bộ Y tế Thái Lan, Suwannachai Wattanayingcharoenchai, cho biết trong giai đoạn từ năm 1963-1983, số trẻ em sinh ra mỗi năm ở Thái Lan đều đạt ít nhất 1 triệu trẻ. Tuy nhiên tỷ lệ sinh đã giảm xuống chỉ còn 502.107 trẻ vào năm 2022 và có thể xuống dưới mức 500.000 trong năm nay.
Chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ sinh
Trước tình hình này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố một gói biện pháp đa dạng nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh đang rất thấp ở đất nước Mặt Trời mọc, khẳng định rằng vấn đề này cần được xử lý giống như việc già hóa dân số đe dọa nền kinh tế đất nước.
Thủ tướng Fumio Kishida kêu gọi thực hiện các biện pháp “chưa từng có” để tăng tỷ lệ sinh.
Với các biện pháp như chi nhiều hơn cho các gia đình có con nhỏ và cung cấp nhà ở cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, ông Kishida hy vọng sẽ tăng gấp đôi chi tiêu cho chăm sóc trẻ em từ nay đến đầu những năm 2030.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 15/5, Hiệp hội kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc (CFPA), cơ quan thực hiện các biện pháp dân số và sinh sản của chính phủ, sẽ khởi động các dự án khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh con, nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh đang sụt giảm của nước này.
Trung Quốc sẽ khởi động các dự án thí điểm tại hơn 20 thành phố để tạo ra văn hóa hôn nhân và sinh con thời đại mới nhằm thúc đẩy môi trường sinh và nuôi dạy con thân thiện hơn.
Trọng tâm của các dự án là khuyến khích lập gia đình, sinh con ở độ tuổi phù hợp, khuyến khích cha mẹ chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con cái và hạn chế việc đòi sính lễ cao cùng một số hủ tục lạc hậu khác khác.
Kể từ năm 2016, Chính phủ Thái Lan đã tìm cách khuyến khích người dân sinh nhiều con hơn, nhưng chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Gần đây, một số biện pháp đã được triển khai để thúc đẩy tỷ lệ sinh như mở thêm nhiều nhà hộ sinh, cải thiện quyền nghỉ thai sản, các chính sách làm việc tại nhà và giờ làm việc linh hoạt.
Chính phủ Thái Lan cũng hoãn nghỉ hưu bắt buộc, thúc đẩy tiết kiệm hưu trí và đưa ra các chương trình hướng nghiệp để đối phó với tình trạng xã hội già hóa./.