Vì sao T-80 trở thành là "chiếc xe tăng thảm họa" của Nga?

T-80 bị xem là một bài học lớn, về việc vì sao các xe tăng được trang bị giáp dày lại không thể che giấu điểm yếu chết người.
Vì sao T-80 trở thành là "chiếc xe tăng thảm họa" của Nga? ảnh 1Xe tăng T-80. (Nguồn: nationalinterest.org)

T-80 bị xem là một bài học lớn, về việc vì sao các xe tăng được trang bị giáp dày lại không thể che giấu điểm yếu chết người.

Từng được quân đội Nga coi như chiếc xe tăng ưu việt số một, T-80 lại chịu tổn thất lớn trước các tay súng du kích được vũ trang nhẹ, trong cuộc Chiến tranh Chechnya lần thứ nhất. Danh tiếng của chiếc xe không bao giờ có thể phục hồi sau lần đó.

Thực tế, chuyện lẽ ra đã không theo chiều hướng như thế này, bởi T-80 quả là chiếc xe tăng rất tốt.

Mẫu tăng chủ lực cuối cùng do Liên Xô sản xuất cũng là chiếc xe đầu tiên của của Liên Xô gắn động cơ turbine khí, khiến nó đạt tốc độ 70 km mỗi và có tỷ suất sức mạnh/trọng lượng hiệu quả, ở mức 25,8 mã lực mỗi tấn.

Điều này khiến T-80B trở thành một trong những chiếc xe nhanh nhẹn nhất, đã ra mắt trong những năm 1980.

Có thể nói khả năng chiến đấu rất tốt của phiến quân Chechnya và chiến thuật tồi của người Nga là nguyên nhân khiến T-80 gặp nhiều tổn thất, hơn là do lỗi thiết kế, dù T-80 quả có lỗi chết người.

Nhưng sau rốt, lỗi thiết kế hay chiến thuật lại không phải những lý do khiến T-80 mất đi vị trí số một của nó trong quân đội Nga.

Cách mạng hóa hoạt động chế tạo xe tăng

T-80 đã từng được xem là một sự tiến hóa mạnh so với người tiền nhiệm của nó, xe T-64 – bản thân chiếc xe này cũng đã tạo ra một cuộc cách mạng không nhỏ.

Là thiết kế xe tăng hiện đại nhất hồi cuối những năm 1960 và đầu 1970, xe T-64 đã thoát khỏi tư duy thiết kế xe tăng đơn giản, như T-54/55 và T-62.

Ví dụ, T-64 là chiếc xe tăng Liên Xô đầu tiên thay thế người nạp đạn bằng hệ thống nạp đạn tự động, qua đó giảm tổ lái từ bốn xuống còn ba.

Sự cách tân thứ hai của T-64 là việc nó được trang bị giáp phức hợp (composite), vốn xếp các lớp thép và gốm đặc biệt chồng lên nhau, để tạo ra khả năng bảo vệ ưu việt so với thép thuần túy.

Thêm vào đó, T-64 có các bánh xe nhẹ cân, đường kính nhỏ, làm hoàn toàn từ thép, so với các bánh lớn hơn có viền cao su trên xe T-55 và T-62.

Phiên bản sản xuất hàng loạt đầu tiên của T-64 là xe T-64A được gắn một khẩu pháo chính 2A46 Rapira cỡ nòng 125mm.

Khẩu pháo này được ưa chuộng tới mức về sau nó được lắp trên hầu hết các xe tăng của Nga, kéo dài cho tới tận mẫu T-90.

Đáng chú ý là T-64A đã gói tất cả các tính năng trên vào một chiếc xe nặng có 37 tấn, khá nhẹ so với chiếc xe tăng ở kích cỡ này.

Nhưng ngoài những ưu điểm trên, T-64 có một động cơ 5TDF khá nhạy cảm và một hệ thống treo bất thường, với cả hai đều dễ hỏng.

Đây là lý do Liên Xô cho đóng đơn vị tăng T-64 gần các nhà máy sản xuất ra chúng tại Kharkov.

Trong khi sửa lỗi của động cơ T-64A, các nhà khoa học Liên Xô đã quan tâm tới việc phát triển một chiếc xe tăng mới với động cơ turbine khí.

Loại xe này có khả năng tăng tốc nhanh và có tỷ lệ sức mạnh/trọng lượng tốt hơn.

Nó có thể khởi động nhanh hơn trong điều kiện thời tiết lạnh mà không cần phải làm ấm, điều thường xảy ra trong điều kiện lạnh giá ở Nga. Ngoài ra nó còn rất nhẹ cân.

"Siêu" đắt đỏ, "siêu" tốn nhiên liệu

Thiết kế ban đầu của T-80 không đi vào trang bị cho tới năm 1976, trễ hơn nhiều so với kế hoạch.

Tuy nhiên các mẫu T-80 đầu tiên đã gặp vấn đề của riêng chúng, chủ yếu do động cơ turbine khí ngốn nhiên liệu và dễ hư hỏng do bụi bẩn.

Tháng 11/1975, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Andrei Grechko đã không thông qua hoạt động sản xuất xe tăng T-80, bởi nó sử dụng nhiên liệu quá lãng phí và có ít sự vượt trội về hỏa lực so với T-64A.

Thêm năm tháng nữa trôi qua trước khi người kế nhiệm của Grechko là Dmitriy Ustinov cho phép đưa chiếc xe vào sản xuất hàng loạt.

Dây chuyền T-80 ban đầu hoạt động trong vòng hai năm, không lâu lắm bởi nó đã bị chiếc xe tăng T-64B lấn lướt.

Chiếc xe lạc hậu hơn lại có một hệ thống điều khiển bắn mới, với khả năng bắn tên lửa 9M112 Kobra từ pháo chính. Quan trọng hơn, T-80 đắt gần gấp 3,5 lần T-64A.

Mẫu T-80B thay thế mẫu T-80 ban đầu vào năm 1978. Trong vai trò chiếc xe tăng ưu việt nhất của Liên Xô, từ năm 1981, T-80B chủ yếu nằm ở vị trí đóng quân nhiều rủi ro nhất: Đông Đức.

Tốc độ khiến T-80B được đặt cho biệt danh “Xe tăng của Eo biển Manche." Trong các cuộc tập trận của Liên Xô, những chiếc T-80B hoàn toàn có thể tới bờ biển Đại Tây Dương trong vòng năm ngày, tất nhiên là với giả thuyết chúng chưa bị cạn nhiên liệu.

Giống T-64, phiên bản xe tăng T-80 mới có khả năng bắn tên lửa 9K112 Kobra,bên cạnh đạn pháo thông thường.

Do tên lửa đắt tiền hơn nhiều đạn pháo nên T-80B chỉ mang 4 quả tên lửa và 38 viên đạn pháo.

Tên lửa dùng để tiêu diệt trực thăng vũ trang hoặc các xe phóng tên lửa chống tăng đối phương, nằm ngoài tầm với của các đạn xe tăng thông thường.

Một khẩu súng máy đồng trục PKT 7.62 x 54 mm và một khẩu súng máy NSVT Utes 12.7 x 108 mm trên tháp pháo là các vũ khí chống bộ binh còn lại của xe.

Trong khi T-80B tuyên bố sở hữu loại giáp phức hợp hiện đại, nó còn được bảo vệ tốt hơn nữa nhờ giáp phản ứng nổ (ERA) Kontakt-1. Những chiếc T-80B lắp ERA được gọi là T-80BV.

Năm 1987, T-80U thay thế T-80B trong dây chuyền sản xuất. Mặt ngoài loại xe này treo giáp ERA Kontakt-5, với khả năng bảo vệ tốt hơn nhiều.

Ngoài khả năng chống đạn với đầu nổ lõm, Kontakt-5 còn giúp tăng khả năng chống đạn xuyên giáp thông thường của xe tăng.

T-80U cũng thay hệ thống điều khiển bắn 1A33 của T-80B sang loại 1A45 hiện đại hơn và các kỹ sư thay tên lửa Kobra bằng tên lửa 9K119 Refleks dẫn đường bằng laser, với tầm bắn xa hơn, tin cậy hơn và sức công phá mạnh hơn. T-80U còn chứa nhiều đạn hơn so với T-80B.

Nhưng T-80U cũng chẳng ở lâu trên dây chuyền sản xuất. Do động cơ turbine khí quá ngốn nhiên liệu, quân đội Liên Xô đã thay thế nó bằng động cơ diesel. Các tăng T-80 trang bị động cơ này được gọi là T-80UD.

"Chết" vì quân đội Nga thiếu tiền

Tháng 12/1994, cuộc chiến tranh chống phiến loạn ở Chechnya là lần đầu tiên T-80 được đưa vào chiến đấu và chiếc xe đã nhanh chóng có những thất bại thảm họa.

Liên Xô lúc này đã tan rã và Tổng thống Nga Boris Yeltsin quyết tâm lấy lại Chechnya từ lực lượng ly khai bằng vũ lực.

Binh lính Nga cùng các tăng T-80B và BV rầm rập tiến vào Chechnya. Vấn đề là những người lính tham chiến ở Chechnya chưa từng được huấn luyện cùng xe T-80 nên không biết ưu, nhược điểm của nó.

Cuộc chiến quân của Nga vào thủ phủ Grozny của Chechnya đã gần như trở thành một cuộc thảm sát, với gần 1.000 người lính thiệt mạng và 200 chiếc xe bị phá hủy chỉ từ ngày 31/12/1994 cho tới buổi tối ngày hôm sau.

Bất chấp danh tiếng là chiếc xe hiện đại nhất trong lực lượng tấn công Nga, T-80B và T-80BV vẫn chịu các tổn thất khủng khiếp.

Dù chống chọi tốt các cú bắn trực diện, hàng chục những chiếc xe tăng này đã nổ tung tháp pháo, sau khi bị trúng đạn súng chống tăng RPG-7V và RPG-18 của phiến quân Chechnya, bắn đi từ nhiều hướng khác.

Hóa ra, hệ thống nạp đạn tự động Korzhina của T-80 có lỗi chết người. Thiết bị nạp đạn tự động chứa liều phóng ở vị trí thẳng đứng và chỉ được bảo vệ phần nào bởi các bánh xe.

Đạn chống tăng RPG bắn trúng thân T-80 rất dễ gây cháy liều phóng và khiến chiếc xe tăng phát nổ, hư hỏng hoàn toàn.

Một lỗi lớn thứ hai của T-80, giống các xe tăng đời trước, là góc nâng và hạ pháo hạn chế. Pháo tăng không thể bắn trả các phiến quân tấn công vào nó từ các tầng cao hay từ các tầng hầm.

Và công bằng hơn, T-80 bị diệt do lỗi của tổ lái được chuẩn bị tồi khi ra trận. Họ không được huấn luyện bài bản và chiến thuật cũng rất kém.

Việc Nga vội vã tham chiến đã khiến nhiều chiếc T-80BV tiến vào Grozny mà không có thuốc nổ nhét trong các hộp ERA, khiến loại giáp này trở nên vô dụng.

Có tin nói một số người lính còn bán thuốc nổ trong giáp ERA để cải thiện đồng lương còm cõi của họ.

Khi tham chiến ở Chechnya, quân đội Liên Xô đã quên từ lâu các bài học đắt giá của chiến tranh đô thị thu được từ thời Thế chiến 2.

Trong chiến tranh lạnh, chỉ đặc nhiệm Spetsnaz và binh lính đồn trú ở Berlin được huấn luyện nghiêm túc về chiến đấu trong đô thị.

Tin rằng sẽ gặp ít sự kháng cự, quân đội Nga đã tiến thẳng vào Grozny với binh lính ngồi kín trong các xe chở quân BMP và BTR. Các chỉ huy của họ còn lạc đường vì họ không có bản đồ tử tế.

Do binh lính Nga không chịu rời khỏi xe để quét sạch các mối nguy hiểm ẩn trong những tòa nhà tại Grozny, các chiến binh Chechnya, những kẻ biết rõ điểm yếu của tăng thiết giáp Nga do có thời gian đi lính nghĩa vụ dưới thời Liên Xô, đã tự do biến các xe của đối phương thành những lò thiêu xác.

Sau thất bại, các chỉ huy quân đội Nga dễ dàng đổ lỗi cho thiết kế của T-80, thay vì thừa nhận chiến thuật tồi.

Nhưng rốt cục, chính việc thiếu tiền đã khiến chiếc T-72 thế chỗ T-80 trong các cuộc chiến thời hậu Chechnya.

Khi Liên Xô sụp đổ, Nga mất dây chuyền sản xuất tăng T-80UD ở Kharkov về tay chính quyền Ukraine mới giành độc lập.

Nhà máy T-80U ở Omsk dần rơi vào cảnh phá sản trong khi nhà máy Leningrad LKZ không còn sản xuất T-80BV nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.