Chỉ sau một thời gian ngắn, Thổ Nhĩ Kỳ đã vươn lên thành nước sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, với nhiều sản phẩm được nước ngoài ưa chuộng.
Theo báo Pháp l’Opinion, cách đây hai thập kỷ, Thổ Nhĩ Kỳ đề ra mục tiêu lớn là trở thành "gã khổng lồ" trong ngành chế tạo vũ khí. Kế hoạch này đang trở thành hiện thực và đây là tin rất tốt lành đối với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Các loại máy bay không người lái giá rẻ do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo đã góp phần làm thay đổi tương quan so sánh sức mạnh giữa Ukraine và Nga, hay rộng hơn, trong nhiều cuộc xung đột lớn trên thế giới gần đây.
Một thế hệ doanh nghiệp mới của Thổ Nhĩ Kỳ đang giới thiệu máy bay trực thăng cho Philippines, tàu tuần tra cho Pakistan, xe thiết giáp cho Kenya. Trong nước, Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu lực lượng hải quân có sức mạnh sánh ngang với Hy Lạp, còn các tàu tuần tra do nước này chế tạo đang được biên chế cho ít nhất 10 nước.
Chính phủ của Tổng thống Erdogan đã đầu tư ít nhất 60 tỷ USD mỗi năm để cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất vũ khí trang bị quân sự nước ngoài, so với mức chỉ 5 tỷ USD cách đây 20 năm.
Năm 2002, ngành công nghiệp quốc phòng tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có doanh số khoảng 1 tỷ USD, thì nay đã tăng gấp 11 lần.
Các thương vụ vũ khí từ nay là thành tố quan trọng trong bộ công cụ chính sách đối ngoại của Tổng thống Erdogan, giúp Thổ Nhĩ Kỳ duy trì các mối quan hệ, nuôi dưỡng tham vọng tăng cường vị thế quốc tế.
Theo số liệu của chính phủ, hiện nay ngành công nghiệp quốc phòng trong nước đáp ứng được 70% nhu cầu vũ khí trang bị của Thổ Nhĩ Kỳ, so với chỉ 30% đầu những năm 2000.
Dựa trên thành công của loại máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB-2, sản phẩm bán chạy nhất ra nước ngoài, Ankara đang cố gắng trở thành nhà cung cấp hàng đầu các trang bị khác, nhất là vũ khí trang bị trên bộ, trên biển và dưới ngầm.
"Rõ ràng là các sản phẩm truyền thống đã chạm đến giới hạn và chúng tôi cần phải tìm ra những cái mới để bán," ông Ismail Demir, Chủ tịch Cơ quan phụ trách công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, thân tín của Tổng thống Erdogan, cho biết. "Chúng tôi tự nhủ không thể chỉ tập trung vào các thiết bị trên không, mà phải phát triển cả thiết bị trên bộ, trên biển và dưới mặt biển."
Viện hòa bình quốc tế Stockholm đánh giá từ năm 2017 đến 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã vươn lên đứng thứ 12 trong số các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, xếp sau Israel và Thụy Sỹ, vượt Ukraine và Thụy Điển.
So với những "ông lớn" như Mỹ, Nga hay Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là "người tý hon," nhưng bước tiến của họ đáng kinh ngạc. Năm 2001, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ xếp thứ 36. Hiện nay, khách hàng chủ yếu của họ là Turkmenistan, Oman và Qatar.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đối với một số sản phẩm như máy bay tiêm kích, hệ thống phòng không.
Năm 2017, sau khi quyết định mua các giàn hỏa tiễn đối không S-400 của Nga, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên ông Ismail Demir và loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chế tạo máy bay chiến đấu F-35.
Hiện nay, Ankara đang đàm phán mua máy bay chiến đấu mới F-16 của Mỹ, thay vì F-35. Kế hoạch này được cho là sẽ hâm nóng mối quan hệ với Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không và xe tăng riêng, nhưng cần phải nhiều năm nữa mới có thể mang lại kết quả và đưa vào sử dụng.
The ông Ismail Demir, biện pháp trừng phạt của nước ngoài càng nêu bật sự cần thiết phải có sự độc lập về quân sự. "Chúng tôi biết độc lập 100% là không khả thi và cũng không hợp lý. Điều quan trọng là bảo vệ ở mức cao nhất lợi ích quốc gia."
[Xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu lần đầu chững lại sau hơn một thập kỷ]
Cho dù ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn "tý hon" so với các nước như Trung Quốc, vai trò của UAV trong các cuộc xung đột mới đây đã mang lại cho nước này ảnh hưởng rất lớn.
Đối với các nước nhỏ, Bayraktar TB-2 là lựa chọn rất tốt để đương đầu với các đối thủ có sức mạnh lớn hơn. Một phi đội 6 chiếc TB-2 cộng với trang bị cần thiết để vận hành chỉ tốn vài chục triệu USD, trong khi một chiếc UAV Reaper MQ-9 của Mỹ đáng giá hàng trăm triệu USD.
Sự phổ biến của UAV đã gây lo ngại cho giới quan sát về vấn đề kiểm soát vũ khí và nguy cơ tấn công dân thường. Năm ngoái, các quan chức cao cấp của Mỹ đã lưu ý chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về mối quan ngại này khi có những báo cáo về việc chính quyền Ethiopia sử dụng UAV để tấn công thường dân.
Ankara không khẳng định đã bán drone cho Ethiopia, nhưng nhấn mạnh các sản phẩm của họ luôn luôn bị ràng buộc bởi các điều khoản nhân đạo.
Nếu điều kiện khí tượng cho phép, máy bay TB-2 có thể bay trong vòng 24 giờ với tầm hoạt động 300km mà chỉ cần một nhân viên điều khiển. Hệ thống camera tầm xa và khả năng tránh radar cho phép thiết bị dễ dàng lách hệ thống phòng không do Nga thiết kế chế tạo.
"Máy bay Bayraktar TB-2 quảng cáo tuyệt vời cho chúng tôi," ông Mustafa Orakci, Giám đốc thương mại của Elektroland Defense, công ty có trụ sở tại Ankara chuyên về các sản phẩm mặt đất không cần người lái, nhận định.
Hiện, công ty này đang chuẩn bị giao 10 xe chiến đấu cho Bangladesh. Loại xe không người lái này giống như những chiếc robot R2-D2 trong bộ phim Star Wars, nhưng trang bị hai bánh lớn để có thể di chuyển trên những địa hình phức tạp.
Chỉ có 50 nhân viên, Elektroland là một trong những doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đang "mọc lên như nấm sau mưa" trong vòng 15 năm trở lại đây tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền.
Các thương vụ vũ khí phản ánh chuyển biến mới trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phần còn lại của thế giới.
Sau nhiều năm đấu tranh tranh giành ảnh hưởng thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh, từ năm ngoái, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tìm cách cải thiện mối quan hệ với các đối thủ tại Trung Đông, bắt đầu là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Israel.
Ông Ismail Demir cho rằng quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất tan băng là yếu tố mang lại nhiều hứa hẹn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Giám đốc Mustafa Orakci cho biết, Elektroland chuẩn bị ký hợp đồng chuyển giao 40 xe quân sự không người lái cho Calidus, công ty công nghệ quân sự của UAE.
Chính phủ UAE bày tỏ sự quan tâm đến các loại tàu không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo và đã gửi danh sách yêu cầu kỹ thuật cho đối tác.
Loại tàu này có thể được sử dụng để bảo vệ các hạm đội đi qua những khu vực căng thẳng như eo biển Horzmuz. Hãng Yonca-Onuk của Thổ đã giành được hợp đồng bán tàu không người lái thực hiện nhiệm vụ trinh sát và chiến đấu cho hải quân và tuần duyên Qatar, Ai Cập, Grudia.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã kích thích một số mảng của nền công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Từ cuối tháng 2/2022, Kiev đã ký hợp đồng lớn mua hàng chục nghìn thiết bị bảo hộ quân sự của hãng Garanti Kompozit, tạo điều kiện để doanh nghiệp này tăng tối đa công suất sản xuất, tuyển dụng thêm hàng nghìn lao động.
Niềm tự hào lớn của của công ty này là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mặc áo chống đạn do họ sản xuất để xuất hiện trong một cuộc họp báo./.