Vị thế của người gốc Á sau những chiến thắng chấn động tại Oscar 2023

Chiến thắng lịch sử của "Everything Everywhere All at Once" với 7 giải Oscar đánh dấu một ý nghĩa quan trọng trong ngành công nghiệp vốn thường xuyên phớt lờ, kỳ lạ hóa hoặc rập khuôn nhân vật châu Á.
"Phim xuất sắc nhất" - giải thưởng quan trọng nhất của Oscar 2023 - đã thuộc về "Everything Everywhere All at Once" (Cuộc chiến đa vũ trụ). (Ảnh: Getty Images).

Chiến thắng lịch sử của "Everything Everywhere All at Once" với 7 giải Oscar đánh dấu một ý nghĩa quan trọng trong một ngành công nghiệp vốn thường xuyên phớt lờ, kỳ lạ hóa hoặc rập khuôn các nhân vật châu Á và người Mỹ gốc Á.

Mùa xuân năm ngoái, khi nhà báo Lisa Wong Macabasco của tờ The Guardian chuẩn bị phỏng vấn bộ đôi đạo diễn Daniels-Daniel Kwan và Daniel Scheinert, nhân dịp họ phát hành bộ phim thứ hai của mình là “Everything Everywhere All at Once” (Mọi thứ Mọi nơi Cùng một lúc), cô bắt gặp một điều chưa từng thấy trước đây.

Đó không phải là đôi găng có ngón tay hình xúc xích và cây nến có hình bộ thủ được bán bởi đơn vị sản xuất phim A24.

Thứ làm cho Macabasco phải ấn tượng chính là phần hướng dẫn phát âm chính xác toàn bộ tên của dàn diễn viên và nhân vật, mà bộ phận PR của bộ phim chia sẻ cho báo chí. Theo đó, họ của Dương Tử Quỳnh trong tiếng Anh nên được phát âm là “yo," họ của Stephanie Hsu là “su," tên của Quan Kế Huy được phát âm là “key huay kwan” và họ của gia đình nhân vật chính của bộ phim (Wang) có vần với từ “xoong."

Đó là một cử chỉ nhỏ nhưng đầy ý nghĩa và thể hiện sự tôn trọng với dàn diễn viên gốc Á khi bộ phim có thể có cách thể hiện thông điệp không quá nghiêm túc, có nhiều cảnh phim xoay quanh sự hưng phấn và trẻ con - nhưng tên của các diễn viên cần phải được gọi đúng.

Chắc chắn những cái tên kể trên vẫn dễ phát âm hơn nhiều so với những cái tên của diễn viên phương Tây như Saoirse Ronan hay Benedict Cumberbatch. Nhưng cách đây không lâu, một hướng dẫn như vậy thậm chí còn không được người ta nghĩ đến, bởi vì những cái tên đó không bao giờ được đọc to và đọc lên nhiều lần tại các đoàn làm phim Hollywood, chứ đừng nói đến việc được đề cử Oscar.

Các nghệ sỹ châu Á từ lâu đã bị Hollywood bỏ qua. Theo một bài báo tương tác, vốn hiếm hoi tới mức đáng thất vọng của tờ New York Times, được đăng đầu tháng 3/2023, chỉ 23 trong số 1.808 ứng cử viên cho hạng mục diễn xuất trong toàn bộ lịch sử của giải Oscar được xác định là người châu Á. Trong số đó, chỉ có bốn người từng đoạt giải.

Hình tượng người châu Á trong phim đã luôn bị gắn chặt vào một số khuôn mẫu nhất định như vô danh, vô diện hoặc vô cảm; được nhìn qua lăng kính của võ thuật, chiến tranh hoặc tình dục; mãi mãi là những người nước ngoài với giọng nói hài hước và những cái tên kỳ lạ.

Cặp đôi đạo diễn Daniel Scheinert (trái, trước) và Daniel Kwan (phải, trước) phát biểu sau khi đoạt giải "Phim xuất sắc nhất" cho "Everything Everywhere All at Once" tại lễ trao giải Oscar ở Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Và đó là chỉ sau khi người châu Á được phép thể hiện các nhân vật có chung nguồn gốc với mình trên màn bạc. Như diễn viên gạo cội 94 tuổi James Hong đã chỉ ra tại Lễ trao giải Hiệp hội các diễn viên điện ảnh vào tháng 2/2023, trong thời kỳ đầu của Hollywood, các nhân vật châu Á không được đóng bởi chính diễn viên gốc Á mà do diễn viên da trắng hóa trang thành.

“Những người đóng giả người châu Á có đôi mắt bị dán xếch lên như thế này, và họ nói bằng giọng buồn cười như thế này, để cho “giống” người gốc Á, bởi nhà sản xuất nói rằng người châu Á không đủ tốt và họ không có doanh thu phòng vé,” Hong nói trong khi lấy tay kéo mắt lên 2 thái dương - một động tác chế nhạo quen thuộc với người châu Á trên thế giới. “Nhưng hãy nhìn chúng ta bây giờ đi.”

Thế giới chắc chắn đang theo dõi. “Everything Everywhere All at Once," bộ phim Mỹ xoay quanh những nhân vật gốc Á này đã được vinh danh là Phim hay nhất năm qua trong đêm hội lớn nhất của Hollywood.

Giải thưởng lớn nhất luôn có ý nghĩa quan trọng trong mọi sự kiện Oscar, nhưng nó càng quan trọng hơn trong năm nay - một năm có số lượng đề cử liên quan tới châu Á cao kỷ lục, trong các lĩnh vực liên quan tới sáng tác, sản xuất và viết kịch bản cho các bộ phim, thuộc nhiều thể loại từ hoạt hình đến tài liệu.

[Diễn viên châu Á đầu tiên đoạt "Nữ chính xuất sắc nhất" tại Oscar]

Năm nay chứng kiến kỷ lục về số diễn viên gốc Á được đề cử Oscar nhiều nhất trong một năm (4 người). Giải thưởng của Dương Tử Quỳnh và Quan Kế Huy đã phá kỷ lục diễn viên gốc Á đoạt giải nhiều nhất trong đêm trao giải Oscar (kỷ lục trước đây chỉ có một).

Dương Tử Quỳnh mới chỉ là ứng cử viên cho giải Nữ diễn viên chính xuất sắc thứ hai là người châu Á (và là người đầu tiên hoàn toàn công nhận, tự hào vì di sản châu Á của mình). Cô hiện là người đầu tiên giành chiến thắng và cũng là người phụ nữ da màu thứ hai giành chiến thắng trong hạng mục này.

Diễn viên gốc Á đã trải qua một chặng đường dài từ xuất phát điểm đóng vai phụ, chỉ đơn thuần là phụ tá cho các vai chính da trắng.

Nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh đoạt giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" cho phim "Everything Everywhere All at Once" tại lễ trao giải Oscar ở Los Angeles (Mỹ) ngày 13/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhìn lại lịch sử, nữ diễn viên người Nhật Miyoshi Umeki đã giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Oscar 1958 nhờ đóng vai người vợ phục vụ một quân nhân người Mỹ trong bộ phim “Sayonara."

Pat Morita, một diễn viên gốc Nhật Bản, cũng được đề cử giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất năm 1985, nhờ đóng vai người thầy Miyagi giúp đỡ cậu bé nhân vật chính trong bộ phim “Cậu bé Karate."

Chỉ trong mấy năm gần đây, các diễn viên châu Á mới được công nhận qua những vai diễn có tính thách thức và phá vỡ định kiến. Ví dụ như năm 2020, Yuh-Jung Youn thắng giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn một phụ nữ nhập cư người Hàn Quốc trong bộ phim “Minari” - vai diễn đã không bị tình dục hóa hay tôn sùng hóa.

Thật khó để phóng đại sự thực đáng chú ý - và kết quả khó khăn lắm mới giành được, của làn sóng người gốc Á đến với những danh hiệu cao quý nhất của Hollywood. Và dù “Everything Everywhere All at Once” đã càn quét tất cả các giải thưởng lớn của ngành điện ảnh Mỹ trong mùa giải này cũng như giành giải cao nhất trong số đó, bộ phim không nằm ngoài những gì thường được coi là xứng đáng một vé tới Oscar.

“Everything Everywhere All at Once” là một bộ phim truyền hình về người nhập cư giả dạng một bộ phim nhảy đa vũ trụ. Chịu ảnh hưởng của Wachowskis và Stephen Chow, bộ phim tràn ngập sự hài hước khoa trương, nói về một lỗ đen khổng lồ bao trùm mọi thứ của chủ nghĩa hư vô và những cảnh cộng hưởng đầy cảm xúc.

Và bộ phim kỳ lạ về một gia đình cực kỳ cụ thể trong một tình huống cực kỳ cụ thể này (doanh nghiệp nhỏ của gia đình nhân vật chính đang phải vật lộn với vấn đề về thuế) đã gây được tiếng vang với một lượng lớn khán giả.

Không giống như nhiều con cưng của Oscar gần đây, bộ phim là một thành công phòng vé thực sự, với lượng người hâm mộ cuồng nhiệt, thu về 108 triệu USD trên toàn thế giới so với kinh phí sản xuất khá khiêm tốn chỉ 14,3 triệu USD.

“Everything Everywhere All at Once” trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất từ trước đến nay của A24.

Điều đó càng trở nên ấn tượng hơn khi bộ phim không được dựa trên tiểu thuyết kinh điển, hay cuộc đời của một huyền thoại nhạc rock nào, cũng không phải phần tiếp theo của một bom tấn rất được chờ đợi.

Những thành tích này đã cho thấy một hy vọng về di sản lâu dài nhất mà bộ phim có thể để lại, đó là Hollywood có lẽ sẽ trao nhiều cơ hội hơn cho những bộ phim mang phong cách riêng, hoàn toàn mới mẻ, đặc biệt là những bộ phim tập trung vào người da màu.

Diễn viên gốc Việt Quan Kế Huy đoạt tượng vàng Oscar ở hạng mục “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” tại lễ trao giải Oscar ở Hollywood. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các đạo diễn (tự cho mình là những kẻ lập dị, với bộ phim đầu tiên có sự tham gia của Daniel Radcliffe trong vai một xác chết xì hơi) và dàn diễn viên đã quảng bá bộ phim như một ví dụ về việc tự hào giương cao lá cờ kỳ dị của mình; kết quả tốt nhất của chiến thắng này là có thể sẽ có thêm nhiều nhà làm phim chấp nhận tham gia vào những dự án rủi ro lớn hơn, quái dị hơn.

Hay như đồng đạo diễn Daniel Kwan đã nói với Macabasco: “Bộ phim này cho thấy rằng điện ảnh Mỹ gốc Á có thể trở thành bất cứ thứ gì nó muốn… Tôi rất hào hứng đón chờ xem nó phát triển ra sao trong 5 đến 10 năm nữa. Hy vọng rằng mọi cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội đều có cơ hội để tuyên bố những điều khác biệt về bản thân mà những cốt truyện bình thường không thể miêu tả."

Nếu điều đó xảy ra một phần là nhờ bộ phim vừa đoạt giải, thì sự thành công của "Everything Everywhere All at Once" thực sự đúng với cái tên tất cả (“everything”)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục