Nhằm thực hiện các cam kết ứng phó biến đối khí hậu, chính phủ liên bang Đức thông báo vào giữa năm 2016 sẽ hoàn tất dự thảo kế hoạch về biến đổi khí hậu đến năm 2050, trong đó, sẽ cố gắng nhất trí về các mục tiêu cụ thể, bao gồm chấm dứt sử dụng năng lượng từ than đá, vào giữa năm sau.
Thông báo ngày 14/12 của Bộ Môi trường Đức nêu rõ, nước này nhận thức rõ sự cấp thiết phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, cũng như giảm thiểu những tác động về mặt xã hội tại một số khu vực.
Bà Barbara Hendricks, Bộ trưởng Bộ Môi trường Đức cho biết, chính phủ Đức đặt mục tiêu tới năm 2050 sẽ hoàn toàn không sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí ga. Theo đó, tới năm 2020 sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thêm 40% so với mức của năm 1990 và tiếp tục giảm tới 95% vào năm 2050.
Theo thống kê, trong năm 2014, Đức, nền kinh tế năng động và lớn nhất châu Âu, đã tạo ra hơn 1/4 điện năng sử dụng từ nguồn năng lượng tái sinh, như năng lượng gió và mặt trời. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn đó, việc dần loại bỏ năng lượng hạt nhân lại tăng sự phụ thuộc vào than nâu, nguồn năng lượng bẩn nhất trong tất cả các nguồn năng lượng, thậm chí còn rẻ hơn năng lượng khí đốt có mức phát thải khí thấp./.