[Video] Núi lửa phun trào có sức công phá tương đương 200.000 tấn TNT

Núi lửa Anak Krakatoa của Indonesia từng phun trào dữ dội vào năm 1883 với sức công phá tương đương 200.000 tấn thuốc nổ TNT, gấp 13.000 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Theo các nhà địa chất học, núi lửa Anak Krakatoa, Indonesia đã phun trào gần 24 phút trước khi sóng thần xuất hiện. Nhiều khả năng đợt phun trào đã gây ra hiện tượng lở đất dưới đáy biển, kết hợp cùng thủy triều dâng trong đêm Trăng tròn, gây nên sóng thần ngoài dự đoán.

Anak Krakatoa trong tiếng địa phương nghĩa là "Đứa con" của Krakatoa.

Ngọn núi lửa "mẹ" từng phun trào dữ dội vào năm 1883 với sức công phá tương đương 200.000 tấn thuốc nổ TNT, gấp 13.000 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Krakatoa được xem là đợt phun trào núi lửa dữ dội nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Vụ nổ giải phóng hơn 25 tỷ m3 đất đá. Tiếng nổ có thể được nghe thấy cách xa 3.600km.

Đợt phun trào đã xóa sổ hơn 165 ngôi làng và thị trấn lân cận, khiến hơn 36.000 người thiệt mạng.

Anak Krakatoa hình thành vào năm 1927 tại chính nơi từng xảy ra vụ nổ lịch sử. Ngọn núi lửa bắt đầu hoạt động trở lại từ tháng Sáu.

Các nhà địa chất học ghi nhận mức độ hoạt động của núi lửa tăng mạnh những ngày qua. Chính phủ Indonesia đã yêu cầu người dân không tiếp cận khu vực 2km quanh miệng núi lửa.

[Video] Vì sao Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất?

Trong ngày 22/12, núi lửa có hai đợt phun trào vào khoảng 16 giờ và 21 giờ, phun tro và khói cao hàng trăm mét.

Tuy nhiên, giới chức Indonesia ban đầu không phát cảnh báo sóng thần khi nhận thông tin về vụ việc. Thay vào đó, cơ quan chức năng chỉ khẳng định đó là hiện tượng triều cường và đề nghị người dân không hoảng loạn.

Ủy ban Phòng chống Thiên tai Quốc gia Indonesia BNPB sau đó đã đăng tải trên Twitter lời xin lỗi công chúng về thông báo nhầm.

BNPB cho biết các cơ quan địa chất không phát hiện động đất nên việc xác định sớm nguy cơ sóng thần gặp nhiều khó khăn.

Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm trên "vành đai lửa" của Thái Bình Dương, Indonesia đã phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai như động đất, núi lửa và sóng thần trong lịch sử. Anak Krakatoa chỉ là một trong 127 núi lửa đang hoạt động tại Indonesia./.

(Vnews)