Từ năm 2013 đến 2016, Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch hơn 471 dự án thủy điện; trong đó có 463 dự án thủy điện nhỏ với công suất hơn 1.404 MW. Đây là các dự án tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội, hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng quy hoạch dự án ưu tiên khác tại khu vực.
Thế nhưng, trên thực tế, nhiều dự án thuộc loại “yếu kém” tại các tỉnh miền núi trên cả nước vẫn được triển khai, bất chấp việc xây dựng thủy điện gây mất diện tích rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước phát triển nông nghiệp, và hoạt động phát triển du lịch...
[Quy hoạch thủy điện Việt Nam: "Quản lý kém nên có rất nhiều lỗ hổng"]
Chỉ tiêng tại hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng, trong vòng 10 năm qua đã được quy hoạch trên 100 dự án thủy điện nhỏ, với tổng công suất lắp máy hơn 1.000MW. Đến nay, mặc dù hai tỉnh này đã loại bỏ 37 dự án thủy điện yếu kém ra khỏi quy hoạch, những mỗi dòng sông vẫn phải “cõng” từ 3-6 nhà máy thủy điện.
Mới đây, tỉnh Đắk Lắk cũng quyết định loại bỏ 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ, công suất 27,4 MW. Hiện tại, một số dự án thủy điện nhỏ đã triển khai thi công nhưng vẫn chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện nay các nhà máy thủy điện đang được đầu tư, xây dựng tại 38 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tính đến tháng 7/2017, cả nước có 713 dự án thủy điện nhỏ, với công suất hơn 7.200 MW. Trong đó, 264 dự án đã đưa vào vận hành khai thác; 146 dự án đang thi công xây dựng.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay, Bộ này mới nhận được hồ sơ xin phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của 20 dự án thủy điện nhỏ. Số dự án còn lại, thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc không thống nhất về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã tạo “kẽ hở” cho nhiều dự án thủy điện nhỏ cố tình xây dựng “vượt đèn đỏ.”
[“Vỡ trận quy hoạch" thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc]
Điển hình như dự án thủy điện Suối Mu (công suất 9MW tại tỉnh Hòa Bình), xây dựng từ đầu năm 2016, nhưng gần ba tháng sau mới đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Thậm chí, dự án này còn thi công “vượt đèn đỏ” khi chưa có Giấy phép xây dựng hơn một năm trời.
Tương tự, dự án thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang (công suất 28MW, thi công từ năm 2015) cũng xây dựng “vượt đèn đỏ” một số hạng mục khi chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện tại dự án này đã bị Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động.
Ngoài ra, hàng loạt dự án thủy điện nhỏ khác cũng đang bị cơ quan chức năng nhắc nhở, xử phạt. Điển hình như dự án thủy điện Hoa Thám tại Cao Bằng, được khởi công từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn đang bỏ hoang; dự án thủy điện Hòa Thuận tại Cao Bằng, xây dựng gần 10 năm nhưng hiện vẫn chưa xong.
Nhà máy thủy điện Bản Rạ tại tỉnh Cao Bằng, gây ảnh hưởng đến nguồn nước, chậm đền bù thiệt hại cho người dân, chây ì nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện tại, Nhà máy thủy điện Bản Rạ đã đền bùi thiệt hại cho người dân../.